Tiềm năng xuất khẩu nấm của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa Việt Nam

Tiềm năng xuất khẩu nấm của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa Việt Nam

Việt Nam có nhiều loại nấm có thể xuất khẩu như nấm hương, nấm đông cô, mộc nhĩ và các loại nấm dược liệu như Linh Chi và Đông Trùng Hạ Thảo. Đây là những sản phẩm đặc trưng của nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với ưu thế là một nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong việc trồng nấm xuất khẩu. Đặc biệt, dưới dạng sấy khô, xuất khẩu nấm ăn trở nên dễ dàng hơn trong việc đóng gói, vận chuyển và bảo quản.

Hình ảnh nấm hương, nấm đông cô và mộc nhĩ

Trong những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu nấm của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nấm của Việt Nam lại giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, xuất khẩu nấm của Việt Nam đạt 1,69 triệu USD, tăng 24,3% so với tháng 8/2024, nhưng giảm 14,7% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nấm đạt trên 7,9 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản phẩm nấm của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024, ngoài ra sản phẩm nấm còn xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Italia, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Châu Âu là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng nấm xuất khẩu của Việt Nam. Các quốc gia như Đức, Pháp và Hà Lan đang gia tăng nhập khẩu nấm từ Việt Nam, nhờ đó sản phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường. Đức hiện tại vẫn là thị trường nhập khẩu nấm lớn nhất thế giới. Pháp và Séc là những quốc gia có cộng đồng người Việt Nam đông đảo, nhu cầu về các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nấm, rất cao.

Nhờ có hiệp định EVFTA, châu Âu đã trở thành thị trường lý tưởng để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nấm. Cả người châu Âu lẫn cộng đồng người châu Á tại đây đều có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nấm cao cấp.

Về lâu dài, thị trường nấm khô châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định. Sự tăng trưởng này có thể do những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng châu Âu. Sự quan tâm đến thực phẩm tăng cường miễn dịch và các sản phẩm thay thế protein động vật đang gia tăng.

Để nấm được phép lưu hành trên thị trường châu Âu, sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu của thị trường: Tất cả các loại thực phẩm bán tại Liên minh châu Âu phải an toàn. Có giới hạn về mức độ cho phép của các chất gây ô nhiễm có hại, quy định về chiếu xạ hoặc không có vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, đáp ứng các yêu cầu pháp lý chỉ là bước đầu tiên để xuất khẩu thành công sang châu Âu. Các nhà cung cấp nấm khô cũng phải đáp ứng các yêu cầu của người mua liên quan đến chất lượng, chứng nhận an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng.

Thông tin chi tiết xem file đính kèm.

© Tuyên bố bản quyền