Xuất khẩu gỗ: Tiềm năng lớn nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức
Với kim ngạch 3,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam được đặt mục tiêu đạt 7,8 tỷ USD trong cả năm. Xuất khẩu gỗ được đánh giá có nhiều dư địa để phát triển, nhưng khi các FTA bắt đầu có hiệu lực, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tốt để cạnh tranh.
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, với nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, tăng trưởng mạnh hơn. Mục tiêu tới năm 2020 là nâng cao năng suất rừng trồng lên 20m3/ha/năm, tăng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 – 8,5 tỷ USD.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục tăng trưởng tích cực, với kim ngạch ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2017, chiếm 69,6% tổng giá trị xuất khẩu.
Các thị trường lớn của xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đều tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, điển hình như Trung Quốc tăng hơn 30%, Hoa Kỳ tăng 16,8%, Hàn Quốc tăng 11,5%, Đức tăng 10%.
Mục tiêu 7,8 tỷ USD
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cả năm 2017 sẽ đạt mức 7,6 – 7,8 tỷ USD, tăng đáng kể so với con số 7,3 tỷ USD của năm 2016.
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFORES, nhận định: “Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm nằm trong kế hoạch, không có nhiều đột biến. Những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn có mức tăng trưởng trung bình khoảng 10 – 15%. Dự kiến, mức tăng trưởng này vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới”.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã tăng hơn hai lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006 – 2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012 – 2015. Năm 2016, xuất khẩu mặt hàng này đạt tới 7,3 tỷ USD, trong đó xuất siêu 5,4 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, với nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, tăng trưởng mạnh hơn. Mục tiêu tới năm 2020 là nâng cao năng suất rừng trồng lên 20m3/ha/năm, tăng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản lên 8 – 8,5 tỷ USD”.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Quyền: “Ngành gỗ Việt Nam cần hai giải pháp lớn. Thứ nhất, cần có chính sách ưu tiên phát triển mặt hàng ván nhân tạo vì đây là sản phẩm sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và nhiều doanh nghiệp nội có đủ điều kiện, công nghệ để sản xuất. Thứ hai, cần phát huy tối đa tiềm năng từ các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường mới tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông”.
Quy định khắt khe hơn
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm đồ gỗ đang có tiềm năng và dư địa phát triển lớn, nhưng khi các FTA được thông qua, các hàng rào kỹ thuật về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm sẽ trở nên khắt khe và khó khăn hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần có đối sách phù hợp. Đơn cử, tại thị trường EU (thị trường lớn thứ tư của đồ gỗ Việt Nam), khi Hiệp định VPA/FLEGT được thông qua, Việt Nam sẽ phải phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm là tuân thủ và không tuân thủ, với các quy định nghiêm ngặt về tính hợp pháp của nguyên liệu, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết: “Việc phân loại doanh nghiệp sẽ dựa trên ba nhóm tiêu chí chính. Thứ nhất là các quy định về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế, lao động, BHXH, bảo vệ môi trường. Thứ hai là về tuân thủ hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; tuân thủ quy định về quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng đất; tuân thủ quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và hồ sơ lâm sản trong lưu thông. Thứ ba là các doanh nghiệp sẽ được đánh giá liệu có vi phạm pháp luật và bị xử phạt trong kỳ đánh giá hay không”.
Bà Miriam Garcia Ferrer – Tham tán thứ nhất, Phó trưởng Ban Kinh tế thương mại, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng: “EVFTA và VPA/FLEGT sẽ là cú hích cho đồ gỗ Việt Nam vào thị trường EU. Theo lộ trình, các dòng thuế với sản phẩm đồ gỗ giảm từ 0 – 10%, sản phẩm nội thất giảm từ 2,7 – 5,7% khi EVFTA có hiệu lực”.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, để cấp giấy phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ đầu tiên sang EU, Việt Nam cần mất 3 – 4 năm nữa nếu có quyết tâm cao và nguồn lực đủ mạnh. Lý do là, để cấp giấy phép FLEGT, Việt Nam phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), tức là tất cả đều phải có nguồn gốc hợp pháp, kể cả gỗ nhập khẩu.
Cơ hội đang rộng mở nhưng để hiện thực hóa cơ hội lại là bài toán không hề dễ dàng. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ NN&PTNT đang tích cực trong khâu tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, liên kết các doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế, có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý.
“Để phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ ưu tiên, bố trí các dự án ODA cho lâm nghiệp, nhất là với khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, khu vực ven biển, đồng thời sớm xem xét phê duyệt Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2025”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.