Triển vọng Việt Nam tiếp cận các thị trường kinh tế.

Trong thời gian qua, công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy mạnh, một số loại trái cây của Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong tháng 6 năm 2020, trái vải của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản và thu về kết quả rất tích cực, mở ra triển vọng xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Những nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường đối với trái cây Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam đã thâm nhập được các thị trường lớn trên thế giới. Đến nay, lượng trái cây xuất khẩu sang những thị trường khó tính đã chiếm khoảng hơn 30%, trong đó có những thị trường tăng trưởng rất tốt như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada và Nhật Bản.

Trong tháng 6 năm 2020, quả vải thiều đã lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đây là kết quả nỗ lực sau 5 năm đàm phán giữa Việt Nam và Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF). Việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở ra những cánh cửa xuất khẩu mới tới các nước phát triển khác.

Trước đó, vào tháng 8 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được xuất khẩu vào nước này sau một thời gian dài đàm phán. Nhãn là trái cây thứ 4 được phép xuất khẩu vào thị trường Australia sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng. Cùng thời điểm, Chile cũng đã cho phép xoài Việt Nam được xuất khẩu vào Chile. Tương tự, vào tháng 2 năm 2019, xoài Việt Nam cũng chính thức được phép xuất khẩu vào Mỹ sau 10 năm nỗ lực đàm phán, sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Với mục tiêu hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái cây chất lượng cao của Việt Nam, vào ngày 15 tháng 4 năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Công ty Tài chính quốc tế IFC – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã ký biên bản ghi nhớ. Theo đó, trong bốn năm tới, IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cải thiện khung pháp lý và các dịch vụ công để mở cửa thị trường xuất khẩu mới, tập trung vào những trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế như thanh long và chanh leo. Trong năm 2022, IFC sẽ hỗ trợ triển khai hệ thống trực tuyến về các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu thanh long và chanh leo, như xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm tươi và chế biến. Qua đó, giúp trái cây Việt Nam tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và giúp ngành xuất khẩu rau, quả có thể thích ứng nhanh và hiệu quả với những biến động và rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, hoặc những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường truyền thống như đã xảy ra trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Đồng thời, sẽ giúp bảo vệ việc làm và thu nhập cho hàng triệu công nhân và nông dân trong ngành kinh doanh nông nghiệp, xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững theo định hướng xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao hơn tại Việt Nam.

– Trái vải tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản, Singapore và Australia.

Vào ngày 22 tháng 6 năm 2020, những lô hàng vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và được tiêu thụ rất tốt ở các siêu thị bán lẻ tại đây. Đáng chú ý, giá bán vải thiều tại Nhật Bản lên tới 8 – 12 USD/kg, tương đương 180.000 – 270.000 đồng/kg. Về chất lượng quả vải, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao do vải ngon, quả tươi và màu sắc đẹp.

Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang chờ lô hàng thử nghiệm vải thiều tươi xuất khẩu theo đường biển, sử dụng công nghệ bảo quản vải thiều mới do Việt Nam tự nghiên cứu và sản xuất. Nếu đến Nhật Bản, quả vải vẫn đạt chất lượng tiêu chuẩn, thì sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho vải thiều tươi vào thị trường khó tính này. Dự kiến, trong năm nay khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu thành công sang Nhật Bản.

Triển vọng Việt Nam tiếp cận các thị trường kinh tế.

Ảnh minh họa: Trái vải Việt Nam được bày bán tại Nhật Bản

Cùng với việc tiếp cận thị trường Nhật Bản, năm 2020 cũng là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lý đóng gói bài bản qua kênh nhập khẩu chính thức được đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn. Đến giữa tháng 6 năm 2020, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng và dự kiến đến hết mùa vải, tổng lượng xuất khẩu có thể đạt 100 tấn.

Với mức giá cạnh tranh, chất lượng và màu sắc tươi đẹp, trái vải thiều Việt Nam đã bước đầu tiêu thụ tốt tại thị trường này. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị đã không còn vải để bán.

Trước đó, vào năm 2018 và 2019, vải thiều Việt Nam (nguyên cuống, không đóng hộp) đã xuất khẩu với quy mô nhỏ sang Singapore và được bán tại các chợ dân sinh tại đây. Tuy nhiên, việc bán tại chợ ngoài trời mà không qua xử lý, không đảm bảo nhiệt độ tối ưu đã khiến lượng hàng bán chậm, trái vải bị hỏng nhanh và xuống màu, làm cho các nhà nhập khẩu nhỏ ngại ký kết hợp đồng cho các mùa vụ tiếp theo.

Do đó, để đưa trái vải vào hệ thống bán lẻ của Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã tổ chức các đoàn đưa nhà nhập khẩu trái cây Singapore tới Việt Nam, trong đó có Tập đoàn FairPrice, để tìm kiếm các sản phẩm trái cây mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng Singapore. Đầu mùa vải năm nay, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo trực tuyến để quảng bá trái vải Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Tại Việt Nam, đại diện mua hàng của FairPrice đã trực tiếp đi thẩm định các trang trại đủ khả năng đóng gói và xuất khẩu, đặt và chuyển những container hàng đầu tiên đi Singapore vào cuối tháng 5 vừa qua.

Singapore là thị trường quen thuộc với trái vải và người dân ưa chuộng, tiêu thụ với số lượng lớn. Vì vậy, trái vải Việt Nam không mất thời gian để làm quen và thử nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là khả năng đảm bảo nguồn cung hàng chất lượng cao cho Singapore. Hiện nay, nguồn vải xuất sang Singapore được khai thác từ vùng trồng theo hệ thống tiêu chuẩn liên kết chuỗi khối OTAS Việt Nam để phục vụ cho thị trường Nhật Bản. Trong những năm tới, khi nhu cầu của thị trường Nhật Bản tăng lên, nguồn vải này sẽ không đủ khả năng cung cấp cho Singapore. Bên cạnh đó, khâu đóng gói và xử lý của Việt Nam vẫn chưa tốt, dẫn đến việc vải vẫn bị hỏng nhiều khi cập cảng Singapore.

Không chỉ có Nhật Bản và Singapore, trái vải của Việt Nam cũng đang được tiêu thụ tốt tại Australia. Quả vải Việt Nam khi cập bến Australia vẫn giữ nguyên được độ tươi mới, màu sắc vàng ánh hồng và vị ngọt thanh hấp dẫn, vì vậy được người dân Australia rất ưa thích.

– Sơn La xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ.

Nhờ những giải pháp đồng bộ kết nối tiêu thụ nông sản, vào ngày 22 tháng 6 năm 2020, lô xoài 30 tấn đầu tiên ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ – thị trường được xem là rất khó tính. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc xuất khẩu thành công các mặt hàng nông sản, trong đó có xoài, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người trồng xoài tại Sơn La. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu, tại các vườn xoài, người dân cùng với đơn vị thu mua đã lựa chọn những trái xoài đạt yêu cầu để đưa sang thị trường Mỹ. Theo đó, xoài xuất khẩu là giống xoài tượng da xanh với trọng lượng từ 0,6 kg – 1,1 kg, mẫu mã đẹp và không bị rám nắng. Sau lễ công bố lô xuất khẩu đầu tiên, toàn bộ 30 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn sẽ được đơn vị xuất khẩu vận chuyển vào miền Nam để kiểm định chất lượng và chiếu xạ, sau đó xuất khẩu sang Mỹ, Canada và Australia.

Hiện nay, huyện Mai Sơn có hơn 2.600 ha trồng xoài, trong đó có 145 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, diện tích cho trái đạt hơn 1.250 ha, với sản lượng thu hoạch đạt 14.000 tấn mỗi năm.

Một số giải pháp phát triển thị trường.

Việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, cho thấy sản phẩm trái cây của Việt Nam đã đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm với những tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới.

Mặc dù đã thực hiện tốt việc mở cửa thị trường về mặt thuế quan, nhưng khi xuất khẩu sang những thị trường lớn vẫn còn những trở ngại nhất định. Diện tích cũng như sản lượng các mặt hàng đủ tiêu chuẩn vẫn còn hạn chế, hiện chủ yếu chỉ nằm trong phạm vi một vùng trồng nhỏ hoặc một vài địa phương. Điều này có giới hạn là khi các nước nhập khẩu cần số lượng hàng đều đặn với những hợp đồng lớn thì có thể dẫn đến nguy cơ không đủ cung cấp nguyên liệu, dễ mất hợp đồng.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong xuất khẩu trái cây cũng khá lớn khi có một số đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Campuchia đã xuất khẩu được xoài vào Hàn Quốc hay Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng thanh long.

Có thể thấy, ngoài yếu tố chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân cần sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu. Đây vẫn là thách thức lớn với ngành hàng trái cây Việt Nam.

Trong thời gian tới, để tăng cường xuất khẩu trái cây sang các thị trường lớn, Việt Nam cần mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế, cũng như yêu cầu cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu thông qua việc cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Để đạt được điều này, cần phải xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi, gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Doanh nghiệp và nông dân cần thực hiện nghiêm túc và hoàn thành tốt nhất từng khâu trong chuỗi giá trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, bảo quản và vận chuyển, nhằm tạo ra những sản phẩm đồng đều và ổn định về mẫu mã và chất lượng hướng đến sản xuất sạch và bền vững, là mục tiêu để đưa trái cây Việt Nam vươn ra thế giới.

© Tuyên bố bản quyền