Triển vọng xuất khẩu hàng hóa ớt

Ớt là loại cây được trồng phổ biến ở Việt Nam. Trong đó có nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định); Bố Trạch (Quảng Bình), Châu Đốc (An Giang), Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Quan… (Lạng Sơn). Ớt là mặt hàng nông sản mang lại lợi ích kinh tế cao nếu được trồng và canh tác đúng kỹ thuật.

Ảnh: Thu hoạch ớt xuất khẩu

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ớt là một trong 10 mặt hàng thuộc nhóm hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu đạt 52,9 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng trong tháng 5/2023, xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt 10,3 triệu USD, giảm 45,3% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 36,2% so với tháng 5/2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các chủng loại ớt tươi, ớt khô, ớt đông lạnh, chiếm 77,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023. Thị trường xuất khẩu ớt của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ớt của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, tăng 224,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng 74,5%…

Triển vọng xuất khẩu hàng hóa ớt

Nhìn chung, thị trường ớt toàn cầu còn nhiều tiềm năng khi nhu cầu nhập khẩu ớt có xu hướng tăng. Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu ớt của thế giới đạt khoảng 7 đến 9 tỷ USD/năm (khối lượng khoảng 4,48 đến 5 triệu tấn). Đáng chú ý, trị giá nhập khẩu ớt toàn cầu tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,84% trong giai đoạn 2018-2022.

Trong số các thị trường nhập khẩu ớt lớn trên thế giới, nhập khẩu ớt của Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2018-2022, đạt 19,4%/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu ớt của Trung Quốc nước này đạt 177,7 nghìn tấn, trị giá 267,8 triệu USD, tăng 168,8% về lượng và tăng 74,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Với nhu cầu tiếp tục tăng từ thị trường này, dự báo xuất khẩu ớt của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng bởi tỷ trọng ớt của Việt Nam tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Trong thời gian tới, để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, các địa phương sản xuất ớt cần đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn phía Trung Quốc đề ra nhằm thuận lợi đưa ớt xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với mặt hàng ớt như Hàn Quốc, EU (đặc biệt là thị trường Hà Lan). Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, vì đây là mặt hàng thực phẩm nên các thị trường nhập khẩu đều có yêu cầu phải quản lý cụ thể từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về đóng gói và bảo quản. Do đó, để xuất khẩu ớt bền vững, người trồng cần thay đổi phương thức canh tác, hướng tới sản xuất sạch, bền vững và bảo vệ môi trường.

© Tuyên bố bản quyền