Liên kết sản xuất và tiêu thụ vải là bước đi đúng đắn của người dân ở Hồng Giang.

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vải là bước đi đúng đắn của người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang). Sự ra đời của HTX Xuất khẩu vải Hồng Giang là tín hiệu vui, để nâng cao chất lượng và tìm kiếm đầu ra cho quả vải, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ vải là bước đi đúng đắn của người dân ở Hồng Giang.

Công nhân HTX sơ chế, đóng gói vải thiều trước khi xuất khẩu (Ảnh: internet)

Hồng Giang được mệnh danh là thủ phủ vải của cả nước với 640ha vải, trong đó có 400ha được trồng theo quy trình VietGAP và 100ha vải xuất khẩu được trồng theo quy trình GlobalGAP. Sản lượng vải ước đạt 5.000 tấn quả tươi/vụ.

Sau những mùa vải được mùa nhưng không có đầu ra, người dân Hồng Giang đã thực hiện liên kết, thành lập HTX xuất khẩu vải, quyết tâm đưa quả vải trên mảnh đất quê hương mình xuất ngoại.

Từ khi liên kết trong HTX, sức mạnh của những nông hộ nhỏ lẻ nơi đây đã được nâng lên khá nhiều. Nếu như những hộ khác bán vải trên thị trường tự do phải chịu cảnh “sáng nắng chiều mưa” của giá cả thì các thành viên HTX có thể yên tâm hơn, vì đã có hợp đồng cung cấp cho các đơn vị đã ký kết với giá ổn định.

So với canh tác theo phương pháp truyền thống, áp dụng VietGAP, GlobalGAP đòi hỏi nhà vườn phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng bù lại, giá vải luôn cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, sản phẩm luôn được đặt hàng trước.

Vải thiều của HTX đã thu hút nhiều nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác để đưa sản phẩm có chất lượng, đúng nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường. HTX Hồng Giang là đơn vị có 10 tấn vải thiều đã được xuất sang Nhật Bản, với giá cao hơn thị trường 12.000 đồng/kg.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của đối tác, các thành viên đã được tham dự các lớp tập huấn do huyện tổ chức. Tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên để vải thiều Lục Ngạn vươn xa hơn trên thị trường nước ngoài, nhưng cái được lớn nhất là các thành viên của HTX được tiếp cận với quy trình sản xuất mới, an toàn và bền vững hơn.

Ngoài việc giúp thành viên tiêu thụ vải thiều, HTX còn tích cực cùng các thành viên và hộ nông dân chuyển một số diện tích trồng vải thiều kém hiệu quả sang trồng giống vải mới, bảo đảm chất lượng.

© Tuyên bố bản quyền