Những khó khăn trong công cuộc chống cháy rừng tại Hà Giang
Ngày 26/4, tại tỉnh Hà Giang xảy ra cháy rừng lớn trên dải Tây Côn Lĩnh, hậu quả khiến hơn 15ha rừng bị cháy và 2 cán bộ kiểm lâm hi sinh.
Nâng cao cảnh giác với ‘giặc lửa’ trước những đợt nắng nóng gay gắt
Để rừng cháy, mất rừng trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh đã khiến 15ha rừng bị cháy, 2 cán bộ kiểm lâm hi sinh.
Vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh diễn ra khoảng 2 giờ sáng ngày 26/4, ngọn lửa nhanh chóng lan ra khu rừng tại 3 xã Phương Tiến, Xín Chải, Lao Chải thuộc huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Để cứu rừng, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng 1.000 người, gồm lực lượng kiểm lâm, quân sự và đông đảo bà con nhân dân tham gia chữa cháy rừng.
Mặc dù đã tích cực triển khai phương châm “4 tại chỗ”, nhưng do khu vực cháy có địa hình phức tạp, núi cao, thực bì dày, lại đang cao điểm mùa khô, công tác chữa cháy rừng ở Hà Giang phải đối diện với nhiều khó khăn. Do địa điểm cháy trên núi cao, sức gió lớn, đám cháy tỏa ra nhiều hướng, khiến việc xác định hướng lây lan gặp khó khăn.
Sau hơn 1 ngày huy động tối đa các lực lượng, đến chiều 27/4, ngọn lửa trên cánh rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã được dập tắt. Hậu quả, hơn 15ha rừng nơi đây bị thiệt hại, đặc biệt đã có 2 cán bộ kiểm lâm là kiểm lâm viên Trần Văn Khiên và kiểm lâm viên Trương Thị Lan đã hi sinh và mãi mãi nằm lại với rừng.
Hà Giang có tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 59%.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, chưa kể vụ cháy rừng xảy ra hôm 26/4, trong mùa khô hanh năm 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 7 vụ cháy rừng tại các huyện: Mèo Vạc, Yên Minh, Xín Mần và Vị Xuyên. Tổng diện tích bị cháy là 3,24 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 1,23 ha, rừng trồng 2,01ha.
Theo ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng chủ yếu là việc dùng lửa bất cẩn trong canh tác của nhân dân sinh sống ven rừng. Sau khi các vụ cháy rừng xảy ra, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức xác minh điều tra, xử lý vi phạm gây cháy rừng, khắc phục hậu quả.
Ngoài khó khăn về khoảng cách địa lý, trời núi cao đi bộ mất nhiều giờ tới địa điểm cháy, việc thiếu trang thiết bị phục vụ chữa cháy cũng là rào cản lớn. Khi tham gia chữa cháy, các lực lượng chủ yếu dùng dao, quốc để tạo đường cản lửa, hệ thống cưa máy được trang bị rất ít.
Do điều kiện núi cao, không có sóng điện thoại, việc trang bị bộ đàm để kết nối liên lạc giữa các tổ nhóm tham gia chữa cháy là rất quan trọng nhưng chưa được trang bị đầy đủ.
Theo Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, với diện tích bị ảnh hưởng gần 500ha, chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi. Con số này tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.
Các vụ cháy rừng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng đã tử vong. Ngoài 2 cán bộ kiểm lâm tỉnh Hà Giang, còn có một người dân tại tỉnh Điện Biên tử vong liên quan đến cháy rừng.