Trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Bạn đọc Phạm Tường Lan (An Giang) phản ánh: Hiện nay tôi thấy hiện tượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan ngoài môi trường, không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Xin hỏi, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định nào yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phải sử dụng vật liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường làm bao bì hay không? Đồng thời, các doanh nghiệp này phải có giải pháp hoặc trách nhiệm thu gom, tiêu hủy, tái chế bao bì đã qua sử dụng, nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:
Về vật liệu bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu dễ phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ như ưu đãi về thuế, phí, lệ phí; các ưu đãi về mua sắm công xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng tiêu chí nhãn sinh thái đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường để khuyến khích việc chuyển đổi và sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường.
Nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vừa phải thực hiện trách nhiệm môi trường, vừa phải thực hiện trách nhiệm mở rộng khi bao bì thải bỏ.
Về trách nhiệm của nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nói riêng và các nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì nói chung phải có trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm của mình đưa ra thị trường sau tiêu dùng – Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR. Quy định này được ghi nhận cụ thể tại Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường và Chương VI Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ năm 2022.
Như vậy, các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vừa phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại (gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn như bao bì rắn, mềm) trong quá trình sản xuất, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, vừa phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Đây là hai trách nhiệm khác nhau nên không trừ phần xử lý chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật khi thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Xin lưu ý, trường hợp công ty nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để lưu thông trực tiếp vào thị trường Việt Nam (công ty chỉ dán nhãn phụ hàng hóa theo quy định về nhãn hàng hóa) thì công ty phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đối với số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
Trường hợp công ty nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để làm nguyên liệu san chiết, đóng gói bao bì của công ty thì công ty là đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đối với số lượng bao bì sản xuất và đưa ra thị trường.