Phát triển kinh tế vùng U Minh thông qua nghề chài lưới.
Trong những năm vừa qua, việc khai thác, đánh bắt quá mức cộng với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho nguồn lợi cá đồng vùng U Minh ngày càng giảm. Vì vậy, việc phục hồi và phát triển cá đồng U Minh không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Cá trê đồng bản địa U Minh Thượng thích ứng cao với nguồn nước, nhiệt độ và thổ nhưỡng tại địa phương, nên cá phát triển rất nhanh, ít bị hao hụt. Nếu cho thức ăn viên thì sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, cá trê vàng có thể cho thu hoạch, trọng lượng mỗi con đạt từ 300 – 400 gram. Ngoài ra, kích thước cá giống khá đồng đều và sạch bệnh nên đã đáp ứng tốt nhu cầu của bà con địa phương thả nuôi trong ao vườn hoặc mương ruộng.
Hiện nay, Trạm Khuyến nông huyện U Minh Thượng còn nhân giống cá đồng bản địa khác như sặc rằn, cá rô, lóc để cung cấp cho bà con địa phương với quy mô khoảng 2 tấn cá mỗi năm. Ngoài ra, cán bộ Khuyến nông huyện còn thường xuyên hướng dẫn bà con địa phương kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá đồng.
Theo ông Châu Ngọc Sơn, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện U Minh Thượng, sắp tới sẽ xây dựng quy trình sản xuất mới để áp dụng xử lý sản phẩm cá trê vàng; đăng ký thương hiệu cá trê vàng và chỉ dẫn địa lý cá trê vàng U Minh Thượng để bảo đảm đầu ra, bà con an tâm đầu tư thả nuôi.
Do được thị trường ưa chuộng nên giá bán các loại cá đồng khá cao và ổn định. Quá trình nuôi ít bị rủi ro do dịch bệnh nên hiện nay, nhiều bà con U Minh Thượng áp dụng mô hình nuôi cá đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.