Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi: Cùng nhau xây dựng thương hiệu Việt Nam

Được tổ chức từ ngày 24 – 29/1, Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi 2019 không chỉ đem đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm đặc sản Hà Nội và các tỉnh, thành mà còn hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, qua đó giữ vững thị trường nội địa trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đưa đặc sản vùng miền tới người dân.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ nông sản, hàng hóa tăng cao, vì vậy để hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý, ngành công thương và các doanh nghiệp đã tăng cường kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Người tiêu dùng mua thực phẩm, đặc sản vùng miền tại Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi.

Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết quy tụ hơn 150 gian hàng của 115 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của Hà Nội và 20 tỉnh, thành trên cả nước từ miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông đến miền Tây Nam Bộ như Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Bình, Đồng Tháp… Tại hội chợ, các doanh nghiệp giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô hàng nghìn loại sản phẩm hàng hóa nông sản thực phẩm, sản phẩm hoa, trái cây các loại phục vụ Tết.

Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi: Cùng nhau xây dựng thương hiệu Việt Nam

Nổi bật của hội chợ là nơi hội tụ các đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp đón Tết của Nhân dân và khách thập phương. Cụ thể là các loại trái cây Nam bộ, thủy hải sản như nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, cùng các sản phẩm nổi tiếng từ các địa phương như: Nem Phùng, bánh chưng Tranh Khúc, rượu Mơ Hương Tích, chả, giò (Hà Nội); hành, tỏi (Lý Sơn); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cam Cao Phong (Hòa Bình); gạo nương (Tuyên Quang); mộc nhĩ, nấm hương, măng chua, miến dong (Cao Bằng); bánh đậu xanh, bánh gai (Hải Dương). Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cùng các vật phẩm thờ cúng như đồ gỗ, đồ sành sứ, mây tre, trầm hương cũng là tâm điểm để tham quan, mua sắm phục vụ trưng bày ngày Tết và nhu cầu tâm linh của Nhân dân.

Tại hội chợ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, năm nay doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô hàng chục mẫu sản phẩm bánh kẹo mới như bánh quy bơ chocolate, bánh quy bơ hạnh nhân lạc Jon Jon vỏ giòn không chiên, kẹo dẻo. Mang sản phẩm trà bánh tẻ Sơn Tây, giò đà điểu đến giới thiệu tại hội chợ, đại diện hợp tác xã Đoài Phương (thị xã Sơn Tây) mong muốn thông qua hội chợ, hợp tác xã sẽ tiếp cận được người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tới các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm bán lẻ để kết nối cung – cầu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thu hút người tiêu dùng mua sắm.

Ngay trong ngày khai mạc (24/1), Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi đã thu hút khá đông người tiêu dùng mua sắm. Chị Nguyễn Thu Huyền, ở nhà 79 phố Huế tỏ ra thích thú khi được tham quan, mua sắm nhiều mặt hàng tại hội chợ. “Hàng Việt được bày bán, giới thiệu có chất lượng, mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập, giá bán phù hợp với kinh tế của đại bộ phận người tiêu dùng nên ngay trong ngày khai mạc, tôi đã lựa chọn được hơn 10 sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền,” chị Nguyễn Thu Huyền cho biết. Những ngày áp Tết, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công Thương các tỉnh, thành xác nhận; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, các sản phẩm bày bán tại hội chợ phải được đóng gói kín hoặc đựng trong lọ, hộp có nắp đậy, có phương tiện che đậy, tránh bụi, côn trùng gây mất vệ sinh thực phẩm. Hàng hóa phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trưng bày, buôn bán tại hội chợ, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng sốt giá. Đồng thời người tiêu dùng Thủ đô có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, mua sắm hàng hóa có chất lượng giá cả phù hợp, nhận biết được các sản phẩm tốt, uy tín qua đó tạo động lực để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Hà Nội và cả nước.