Hướng đi cần thiết để phát triển bền vững
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế sâu rộng, Hội Nông dân thành phố Hà Nội chuyển trọng tâm từ hỗ trợ vốn, kỹ thuật sang đồng hành với nông dân trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và ứng dụng công nghệ số. Cách làm này là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, đồng thời phù hợp với vai trò nông dân giỏi trong giai đoạn mới.
Mô hình sản xuất dược liệu công nghệ cao của Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc – huyện Thanh Oai.
Nâng cao năng lực số, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đang lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 229.230 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 64,6% tổng số hội viên. Trong đó có 860 hộ đạt cấp Trung ương, 5.120 hộ đạt cấp thành phố, 48.068 hộ cấp huyện và 229.230 hộ cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Các mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được duy trì và phát triển.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Nguyên Hùng cho biết: Chuyển đổi số đang trở thành nội dung trọng tâm trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức, kỹ năng số, khuyến khích hội viên cài đặt và sử dụng các ứng dụng như “Nông dân Thủ đô số” và “App Nông dân Việt Nam”. Đồng thời, tích cực hỗ trợ hội viên tham gia các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm OCOP và nông sản an toàn. Đến nay, đã có hơn 278.000 hội viên cập nhật thông tin trên nền tảng số, từng bước hình thành hệ sinh thái số nông nghiệp trong cộng đồng nông dân Thủ đô.
Xác định chuyển đổi số là hướng đi tất yếu để nông dân phát triển kinh tế bền vững, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực số và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhiều chương trình phối hợp tuyên truyền và tập huấn được triển khai sâu rộng, giúp nông dân tiếp cận kiến thức, kỹ năng mới về kinh tế số, sàn giao dịch điện tử, marketing trực tuyến và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với tinh thần “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, đến nay, hội đã hướng dẫn và hỗ trợ hơn 5.000 hộ nông dân đăng ký tài khoản, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Đúng vai, trúng nhu cầu
Kết quả bước đầu từ việc hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đang khẳng định hướng đi đúng của Hội Nông dân Hà Nội, được nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đánh giá cao.
Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc và Chủ tịch Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Việc thành phố Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số đã tạo cú hích rất lớn cho những người làm nông nghiệp chuyên sâu như chúng tôi. Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc đã đưa toàn bộ sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tích cực sử dụng nền tảng số để giới thiệu, tư vấn và bán hàng trực tuyến. Chuyển đổi số hiện đang là yêu cầu sống còn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.”
Tương tự, là Nông dân Việt Nam xuất sắc, Giám đốc Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: “Đối với tôi, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi chính là chìa khóa để bứt phá. Trang trại của gia đình tôi khoảng 5ha, nuôi hơn 152.000 con gà bố mẹ và vận hành hơn 50 máy ấp trứng hiện đại, cung cấp ra thị trường khoảng 450.000 con giống mỗi tháng, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Chúng tôi đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nền tảng số để quảng bá và giới thiệu sản phẩm giống gia cầm ra thị trường.”
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa thông tin: Hà Nội hiện có hàng chục nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế của nông dân Thủ đô trong nền kinh tế số, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết. Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, tư vấn và hỗ trợ hội viên tiếp cận các nền tảng số, đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều mô hình tiên phong như trồng nấm dược liệu, sản xuất giống gia cầm và trồng hoa – cây cảnh đã cho thấy hiệu quả vượt trội khi kết hợp sản xuất giỏi với truyền thông và thương mại hóa trên nền tảng số. Hội xác định rõ rằng hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội tiếp tục là cầu nối và đồng hành để nông dân không chỉ làm giàu mà còn khẳng định vị thế, trí tuệ, bản lĩnh và tư duy mới trong thời đại mới.
Thực tế cho thấy, khi được hỗ trợ đúng cách, nông dân tự tin làm chủ sản xuất và nông sản tiêu thụ tốt hơn. Qua cách làm này, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang nâng tầm vai trò dẫn dắt và khẳng định vị thế nông dân trong thời đại số hóa. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp Thủ đô trong tiến trình hội nhập.