Vaccine thú y của Việt Nam xác nhận sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc AVAC khẳng định, xuất khẩu vaccine ASF là bước tiến lớn, thể hiện năng lực nghiên cứu, khát vọng hội nhập của ngành vaccine thú y Việt Nam.

Vaccine ASF tiếp tục chinh phục thị trường quốc tế

Thử nghiệm vacxin ASF trên lợn giống, mở đường bảo hộ từ gốc

120.000 liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi ‘bay’ sang Indonesia

Đông Nam Á chung tay phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Mới đây, sự kiện Indonesia chính thức cấp phép lưu hành thương mại cho lô 120.000 liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất (AVAC ASF LIVE) mở ra nhiều kỳ vọng về việc mở rộng thị trường trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam xung quanh ý nghĩa của sự kiện này cũng như chiến lược xuất khẩu vaccine của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam.

Năng lực sản xuất 2 – 5 triệu liều mỗi tháng

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của lô vaccine ASF của AVAC vừa được xuất khẩu sang Indonesia?

Đây là lô vaccine dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên của AVAC được xuất khẩu sang thị trường Indonesia. Công ty PT. Biotis Prima Agrisindo là đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine ASF tại Indonesia.

Trước đó, chúng tôi đã xuất khẩu thành công gần 500.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE sang Philippines và Nigeria.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam kiểm tra lô vaccine trước khi xuất khẩu sang Indonesia.

Việc Indonesia cấp phép lưu hành thương mại toàn quốc cho lô vaccine lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của đối tác Indonesia đối với vaccine do Việt Nam sản xuất, đồng thời khẳng định chất lượng sản phẩm đã vượt qua được các tiêu chuẩn đánh giá độc lập từ phía nước bạn.

Để được phép lưu hành tại Indonesia, vaccine của AVAC đã trải qua quá trình đánh giá kéo dài suốt 3 năm bởi Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường của nước này. Chỉ sau khi các kết quả kiểm định, đánh giá đạt yêu cầu, Indonesia mới chính thức cấp phép lưu hành thương mại. Điều này cho thấy năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của AVAC nói riêng và của Việt Nam nói chung đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Không chỉ mang giá trị thương mại, đây còn là minh chứng cho năng lực nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam đã đạt trình độ có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Hiện tại công suất sản xuất vaccine ASF của AVAC ra sao? Với mức công suất đó, doanh nghiệp có đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các đối tác trong và ngoài nước hay không?

Tính đến nay, AVAC đã cung ứng ra thị trường hơn 3,5 triệu liều vaccine AVAC ASF LIVE. Trong đó, khoảng 3 triệu liều được sử dụng tại Việt Nam và gần 500.000 liều đã được xuất khẩu sang Philippines và Nigeria, góp phần kiểm soát hiệu quả ASF tại nhiều khu vực.

Công suất sản xuất vaccine ASF của chúng tôi hiện đạt 2 – 5 triệu liều mỗi tháng, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tác trong và ngoài nước.

Mong được đẩy nhanh tiến độ phê duyệt vaccine ASF cho lợn nái

Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu của AVAC trong thời gian tới và khó khăn ra sao?

Hiện có gần 10 quốc gia đang trong quá trình đăng ký lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE, bao gồm Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Malaysia, Tanzania và Nigeria. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay là chưa có tiêu chuẩn đánh giá vaccine ASF chính thức từ các tổ chức quốc tế.

Dẫu vậy, một số quốc gia như Indonesia và Philippines đã chủ động xây dựng quy trình đánh giá. Sau khi vaccine đạt yêu cầu, họ đã mạnh dạn cấp phép lưu hành, khẳng định sự tin tưởng đối với chất lượng vaccine do Việt Nam sản xuất.

Để thúc đẩy xuất khẩu và khẳng định vị thế của vaccine thú y Việt Nam trên thị trường quốc tế, AVAC mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ như thế nào trong thời gian tới?

Chúng tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan, tiếp tục quan tâm và hỗ trợ để vaccine AVAC ASF LIVE có thể được xuất khẩu rộng rãi hơn nữa.

Hiện tại, vaccine ASF của AVAC mới chỉ được cấp phép sử dụng trên lợn thịt. Đối với lợn nái, AVAC đang phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng quy trình thực nghiệm và đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, tiến trình này phụ thuộc hoàn toàn vào kết luận của cơ quan quản lý nhà nước.

Lô vaccine AVAC ASF LIVE lần đầu tiên xuất ngoại tới Indonesia qua đường hàng không.

Do đó, để mở rộng ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt là tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, việc sớm hoàn tất thủ tục lưu hành cho đàn lợn nái là vô cùng cấp thiết.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã có sự chủ động trong công tác thương mại, sản xuất và cung ứng. Tuy nhiên, để đẩy mạnh thị trường, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

Đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine ASF của AVAC tại Indonesia nói gì?

Vaccine thú y của Việt Nam xác nhận sức cạnh tranh trên thị trường.

Đại diện Công ty PT. Biotis Prima Agrisindo cho biết, sau gần 3 năm kể từ khi hồ sơ được nộp, đến tháng 12/2024, Putra Perkasa Genetika PPG/ Biotis Prima Agrisindo đã chính thức được cấp phép nhập khẩu 300 liều vaccine AVAC ASF LIVE để kiểm định chất lượng dưới sự giám sát của cơ quan chức năng Indonesia.

Quá trình kiểm định này được thực hiện với sự phối hợp của Khoa Thú y và Khoa học Y sinh – Đại học IPB, trong khuôn khổ hợp tác khoa học nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả của vaccine trong việc kiểm soát bệnh ASF tại Indonesia.

BPA với vai trò là đối tác của PPG – một công ty vaccine có bộ phận nghiên cứu và phát triển chuyên biệt của Indonesia đã đóng vai trò chiến lược trong sáng kiến này.

Quy trình kiểm định chất lượng, hoàn tất vào tháng 5/2025, đã xác nhận vaccine AVAC ASF LIVE đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.

Việc phê duyệt này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kiểm soát ASF tại Indonesia, đồng thời là một phần không thể thiếu trong chiến lược quốc gia nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi lợn và đảm bảo an ninh lương thực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

© Tuyên bố bản quyền