Nhận diện và phòng tránh viêm da kích ứng ở heo
Nhiều yếu tố trong môi trường chăn nuôi khiến da heo bị kích ứng, dị ứng. Người chăn nuôi cần nhận biết rõ về nguyên nhân viêm da dị ứng và cách phòng ngừa.
Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả bằng nuôi heo chuồng lạnh.
Môi trường sạch, giá thành giảm nhờ nuôi heo ứng dụng công nghệ sinh học.
Nuôi heo an toàn sinh học thích ứng dịch bệnh và thị trường biến động.
Da heo là hàng rào sinh học đầu tiên tiếp xúc với chuồng trại. Ảnh: Thanh Sơn.
PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa là một chuyên gia về chăn nuôi. Ông hiện là cố vấn cấp cao của Trường Đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai, Chủ nhiệm CLB Ngành heo Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa, tổn thương da heo do kích ứng trong môi trường chăn nuôi là một vấn đề phổ biến. Da heo là hàng rào sinh học đầu tiên tiếp xúc với môi trường chuồng trại. Khi tiếp xúc thường xuyên với nước tiểu, chất độn chuồng bẩn, ánh nắng, hóa chất khử trùng, da heo dễ bị kích ứng hoặc dị ứng, dẫn đến viêm và suy giảm chức năng bảo vệ tự nhiên.
Các yếu tố gây viêm da kích ứng.
Nước tiểu.
Nước tiểu heo chứa nồng độ cao ure, khi bị thủy phân bởi enzyme urease (do vi khuẩn môi trường sinh ra), sẽ tạo ra ammoniac. Ammoniac là một chất kiềm mạnh, có khả năng phá vỡ các liên kết lipid giữa các tế bào sừng, làm suy giảm chức năng hàng rào biểu bì, tăng mất nước qua da và kích hoạt phản ứng viêm qua trung gian các cytokine.
Độ pH kiềm trong môi trường chuồng ẩm cũng làm giảm hoạt tính của các enzyme bảo vệ tự nhiên như β-defensins và cathelicidins, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm da thứ phát.
Chất độn chuồng.
Chất độn chuồng như rơm, trấu hoặc mùn cưa có thể là nguồn phát sinh vi sinh vật nếu không được thay thế thường xuyên. Khi ẩm, các vật liệu này dễ phân hủy sinh học và tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của Staphylococcus spp., Pseudomonas aeruginosa, Candida albicans và Dermatophilus congolensis, là những tác nhân đã được ghi nhận gây viêm da ở heo.
Đặc tính ma sát của chất độn chuồng có thể gây trầy xước vi thể trên bề mặt da heo, đặc biệt ở vùng chi dưới và vùng ngực, nơi tiếp xúc nhiều nhất với nền chuồng. Những tổn thương vi thể này làm mất tính toàn vẹn biểu bì, đóng vai trò như cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.
Chất khử trùng.
Các chất khử trùng được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi như hợp chất phenolic, hypochlorite, peroxide, hoặc quaternary ammonium compounds có thể gây kích ứng da nếu tiếp xúc trực tiếp với nồng độ cao.
Cơ chế chính là sự oxy hóa màng tế bào và protein cấu trúc ở lớp thượng bì, dẫn đến chết tế bào sừng và kích hoạt các thụ thể pattern recognition receptors, từ đó kích thích giải phóng IL-1β, TNF-α và các chemokine khác. Tổn thương cấp tính có thể biểu hiện dưới dạng ban đỏ, phù nề, trong khi tiếp xúc mạn tính dẫn đến dày sừng, tăng sắc tố và nứt nẻ da.
Muỗi đốt.
Muỗi đốt không chỉ gây kích ứng da cơ học mà còn dẫn đến viêm da dị ứng do nước bọt muỗi chứa protein gây giải phóng histamine và các cytokine viêm. Heo bị muỗi đốt nhiều có thể xuất hiện ban đỏ, sẩn phù và gãi nhiều gây trầy xước, nhiễm trùng thứ phát.
Nước.
Nước có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây dị ứng và ngứa da ở heo nếu chứa các tác nhân kích ứng hoặc dị nguyên. Nguồn nước tắm hoặc nước vệ sinh chuồng trại nếu bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất hoặc chất hữu cơ phân hủy, sẽ tác động tiêu cực lên hàng rào bảo vệ da. Các vùng da ẩm kéo dài do nước đọng tại các nếp gấp cơ thể là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển mạnh.
Việc tiếp xúc thường xuyên với nước ô nhiễm này có thể làm phá vỡ cấu trúc lipid lớp sừng, gây rối loạn vi sinh vật biểu bì và tăng tính thấm của da, tạo điều kiện cho dị nguyên hoặc mầm bệnh xâm nhập.
Heo bị viêm da do môi trường nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.
Tình trạng ngứa và kích ứng khiến heo gãi liên tục, làm xuất hiện tổn thương thứ phát như trầy xước, viêm nang lông hoặc viêm da ẩm. Trong nhiều trường hợp, phản ứng viêm kéo dài sẽ dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn, làm trầm trọng hơn vấn đề da liễu và ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Quản lý chất lượng nước bằng lọc, xử lý vi sinh và kiểm soát độ pH là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ dị ứng da liên quan đến nước.
Nắng.
Tia tử ngoại (UV) có thể gây tổn thương trực tiếp DNA tế bào sừng qua hình thành các pyrimidine dimers, gây đột biến và kích hoạt các cơ chế chết tế bào theo chương trình. Ánh nắng mạnh còn làm tăng sản xuất các gốc tự do trong tế bào biểu bì, làm oxy hóa lipid màng và tổn thương ty thể. Những tổn thương này kích thích tế bào Langerhans giải phóng các cytokine viêm, từ đó dẫn đến viêm da quang độc. Ở heo có da sáng màu hoặc ít lông, nguy cơ viêm da do nắng càng cao, đặc biệt trong điều kiện chuồng mở hoặc vận chuyển xa.
Biểu hiện lâm sàng.
PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa cho biết, trong điều kiện chăn nuôi thâm canh hoặc điều kiện vệ sinh kém tại các lò mổ, da heo thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có khả năng gây kích ứng. Nếu không được kiểm soát, những tác nhân này sẽ dẫn đến rối loạn vi mô trên bề mặt da, phá vỡ hàng rào bảo vệ và gây viêm da mãn tính.
Viêm da do các yếu tố môi trường thường gặp ở các vùng da có tiếp xúc lâu với nền chuồng như phần dưới bụng, chân, ngực và đuôi. Các dấu hiệu bao gồm: Ban đỏ, sần sùi; Bong tróc, nứt nẻ da; Xuất hiện mủ, mùi hôi; Loét hoặc hoại tử cục bộ trong trường hợp nặng. Heo con và heo nái mang thai có nguy cơ cao hơn do lớp biểu bì mỏng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy yếu.
Chiến lược kiểm soát.
Để giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt viêm da kích ứng trên heo, PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa khuyến nghị những giải pháp phòng ngừa sau:
Quản lý nền chuồng.
Giữ nền chuồng khô ráo: Độ ẩm nên duy trì dưới 30% để hạn chế vi khuẩn phân giải ure và sự hình thành amoniac. Thay chất độn chuồng định kỳ/giữ chuồng sạch sẽ: tùy vào mật độ và điều kiện môi trường. Cải tiến thiết kế chuồng trại: Sử dụng sàn lưới hoặc hệ thống thoát nước hiệu quả để hạn chế tích tụ nước tiểu.
Sử dụng hóa chất an toàn.
Pha loãng đúng nồng độ: Hướng dẫn sử dụng nên tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt đối với các hóa chất. Đảm bảo thời gian tiếp xúc: Heo không nên được đưa vào chuồng cho đến khi bề mặt đã khô hoàn toàn sau khi khử trùng. Ưu tiên sản phẩm có tính thân thiện với da.
Tăng cường sức đề kháng của da.
Bổ sung dinh dưỡng: Kẽm, biotin, vitamin A và E được chứng minh cải thiện chức năng hàng rào biểu bì và khả năng phục hồi tổn thương.
Khác.
Che chắn không để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp, đặc biệt là vào buổi trưa/xế chiều. Giăng mùng buổi tối nếu vùng có nhiều muỗi. Dùng nước sạch tắm cho heo.
PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa.
Tổn thương da do kích ứng trong môi trường chăn nuôi là một vấn đề phổ biến nhưng có thể kiểm soát hiệu quả nếu có sự kết hợp giữa quản lý môi trường, sử dụng hóa chất an toàn và hỗ trợ sinh lý da thông qua dinh dưỡng và chăm sóc tại chỗ. Việc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh là nền tảng để xây dựng các chiến lược phòng ngừa mang tính chủ động và bền vững. Việc này không chỉ nâng cao phúc lợi vật nuôi mà còn tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo.