Trồng cây keo: Cách kết hợp giữa sinh kế bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học
Cây keo đang mang lại sinh kế cho người dân nhiều vùng trên cả nước. Nhưng keo lại là loài ngoại lai, có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa.
Liên kết trồng keo gỗ lớn
Tre xanh trên Long Cốt sơn
Thí điểm cây quế thất bại, tốn ngân sách, nông dân vẫn thiệt thòi
Bản tin Lâm nghiệp ngày 5/6/2024: Xuyên đêm dập lửa cứu rừng trên núi Chóp Vuông
Đó là ý kiến của TS. Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Bảo tồn Sinh vật đa dạng thế giới tại tọa đàm “Phục hồi và bảo vệ tài nguyên sinh vật đa dạng và hệ sinh thái rừng bản địa của Việt Nam” do Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức ngày 13/3 tại Hà Nội.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chủ trì toạ đàm.
Trồng keo, lợi hay hại?
Việt Nam đã có hơn 40 năm trồng và phát triển cây keo. Cây keo đã đem lại sinh kế và lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình Việt Nam.
Theo thống kê năm 2024, tổng diện tích rừng trồng keo hiện nay ở Việt Nam là hơn 1 triệu ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc. Cây keo là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.
Keo là một trong những loài cây lấy gỗ được trồng nhiều tại Việt Nam nhờ sinh trưởng nhanh, thường đạt khoảng 90m3 gỗ tròn sau 6 năm. Nếu người dân không khai thác gỗ non mà để lại chăm sóc thêm 5 – 6 năm nữa, gỗ sẽ có trữ lượng gấp đôi, giá bán cũng có thể cao gấp 2 – 3 lần.
Rừng keo 8 năm tuổi đã được cấp chứng chỉ FSC.
Keo là loại cây khá điển hình trong trồng rừng hiện nay. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, người trồng rừng gỗ nhỏ phải đầu tư 2 lần với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, trong khi rừng gỗ lớn chỉ cần đầu tư 1 lần với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha. Mặc dù chu kỳ trồng rừng gỗ lớn gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 – 3 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Trung Phước, cây keo là một loài ngoại lai chứ không phải loài bản địa. Do đó, bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc trồng và khai thác keo lại gây ra nhiều tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường, sạt lở đất và ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng bản địa.
Ông Tạ Đình Thi chia sẻ rằng trong phát triển kinh tế xã hội, cần hướng tới sự phát triển cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Rừng keo là một phần quan trọng của ngành lâm nghiệp.
Để hướng tới sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học, cần có cái nhìn toàn diện về những tác động mà cây keo mang lại. Do đó, cần tìm giải pháp giúp cân bằng phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thay thế cây keo bằng cây tre?
Vấn đề hiện nay là làm sao để giữ sinh kế cho người dân nhưng vẫn có sự thay đổi để tăng trưởng bền vững. Tại tọa đàm, TS. Đặng Trung Phước đề xuất cần hướng tới việc thay đổi cây keo mà không ảnh hưởng tới người dân sống dựa vào cây keo.
Ông đề xuất người dân có thể lựa chọn trồng cây bản địa khác có giá trị kinh tế cao. Theo gợi ý của TS. Đặng Trung Phước, tre có thể là một lựa chọn phù hợp.
TS. Đặng Trung Phước chỉ ra rằng tre có khả năng hấp thụ CO2 tốt hơn nhiều loại cây rừng khác, giúp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tre cũng là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhanh chóng, có thể ứng dụng trong phát triển kinh tế xã hội, làm thực phẩm, nhiên liệu sinh học, dăm gỗ và đồ nội thất.
Đối với cây keo, các ý kiến cho rằng để đảm bảo phát triển bền vững, nên quản lý khu vực trồng keo, tuân thủ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và áp dụng biện pháp trồng, chăm sóc rừng, bảo vệ đa dạng sinh học để cân bằng giữa kinh tế và môi trường.
Ông Tạ Đình Thi cho rằng đề xuất trồng tre thay thế cây keo là một gợi ý tốt. Để triển khai, cần có thêm dữ liệu khoa học để đánh giá mặt lợi, hại của cây keo và cây tre, đồng thời cần rõ hơn về tác động kinh tế của đề xuất để đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Theo ông Tạ Đình Thi, Việt Nam cần quy hoạch vùng trồng cây và chỉ trồng keo ở những khu vực không có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi đất, có thể kết hợp keo với các cây bản địa và tre để tái tạo hệ sinh thái rừng.
Xây dựng hành lang sinh thái Trường Sơn
Từ việc cân nhắc phát triển cây keo – cây ngoại lai, cũng như đề xuất thay thế trồng cây tre – cây bản địa, các nhà khoa học tại tọa đàm đã thảo luận về giải pháp nhằm phục hồi và bảo vệ tài nguyên sinh vật đa dạng và hệ sinh thái rừng bản địa của Việt Nam.
TS. Đặng Trung Phước đề xuất cần có quy hoạch hệ thống trồng rừng bản địa và khai thác rừng bền vững. Trong đó bao gồm vùng rừng dành cho Tổ quốc và phân định vùng rừng được khai thác và bảo vệ.
Ông Phước cũng đề xuất xây dựng hành lang sinh thái Trường Sơn. Công trình này sẽ giúp khôi phục rừng bản địa với quy hoạch cẩn thận, nhằm kết nối các hệ sinh thái quan trọng, như các Vườn quốc gia Bạch Mã – A Lưới – Phong Nha Kẻ Bàng – Cúc Phương – Hoàng Liên Sơn – Ram Đảo.
“Hành lang sinh thái sẽ tái tạo, củng cố và tăng cường nguồn gen của sinh vật đa dạng và hệ sinh thái Việt Nam. Hành lang sinh thái Trường Sơn khi được triển khai sẽ là niềm tự hào của Việt Nam”, TS. Đặng Trung Phước nhấn mạnh.