Nông dân khu vực Bắc Trung Bộ sở hữu bộ giống cây trồng chất lượng cao.

Bộ giống chất lượng kết hợp với nền tảng khoa học công nghệ đã tạo nên khác biệt lớn trên những cánh đồng màu mỡ của vùng Bắc Trung Bộ.

Nơi chọn tạo, lưu giữ và chuyển giao những dòng giống chất lượng.

Giống lạc TK10 ‘chinh phục’ xứ Nghệ.

Nông dân khu vực Bắc Trung Bộ sở hữu bộ giống cây trồng chất lượng cao.

Ngày 15/4 tại tỉnh Nghệ An, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tổ chức Hội thảo “Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo”.

Giai đoạn 2020-2025, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ định hướng nghiên cứu, tạo các nguồn gen mới cho giá trị cao trong thực tiễn để phục vụ sản xuất nông nghiệp toàn vùng.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm Viện thực hiện lưu giữ, đánh giá nguồn gen của 250 dòng/giống lúa, 230 dòng/giống lạc, 38 dòng/giống đậu xanh, 91 dòng/giống sắn, 11 nhóm loài cây trồng có nguồn gốc địa phương với tổng cộng 165 mẫu giống.

Thời điểm này Viện cũng đang bảo tồn và chăm sóc tại chỗ 5 cây hồng nứa Nam Đàn, 5 cây hồng vuông Thạch Hà, 5 cây xoài Tương Dương, 11 cây bưởi đỏ Hương Hồ, 15 cây cam Nam Đông, 15 cây cam Xã Đoài. Ngoài ra còn chọn tạo được 19 giống cây trồng mới cùng 25 quy trình kỹ thuật canh tác cho kết quả tốt, thỏa mãn được chỉ tiêu sinh thái – xã hội, đồng thời được nông dân trong vùng đánh giá cao.

Quá trình lưu giữ, đánh giá nguồn gen của các dòng/giống lúa được Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ triển khai bài bản.

Kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Xác định lúa vẫn là cây trồng chính, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cùng các bên liên quan đã tập trung chọn tạo các giống lúa ngắn ngày thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, cho năng suất trên 6,5 tấn/ha, chất lượng cao, kháng được bệnh đạo ôn và bạc lá.

Giai đoạn 2022-2024, Viện đã thực hiện tổng cộng 30 tổ hợp lai từ phương pháp lai nhiều bố mẹ, qua đó xác định được 5 dòng lúa triển vọng với những đặc tính vượt trội, nhất khả năng kháng nòi nấm bệnh đạo ôn và chủng vi khuẩn bạc lá.

Không dừng lại ở đó, thực hiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ, từ 2021-2023, Viện đã triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại 3 tỉnh với quy mô lên đến 240 ha. Qua đối chứng cho thấy rằng năng suất bình quân đạt từ 5,15 – 6,2 tấn/ha, quy đổi hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy trình thông thường.

Tương tự là kết quả tích cực đối với cây lạc tại các vùng bãi ngang, ven biển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Ở diễn biến khác, việc chủ động ứng dụng rộng rãi nền tảng tiến bộ kỹ thuật đã nâng tầm giá trị cây lạc tại các vùng bãi ngang, ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ. Riêng năm 2024, Viện tổ chức sản xuất 20 ha lạc theo chuỗi giá trị, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, gắn với truy xuất nguồn gốc.

TS Phạm Văn Linh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ chia sẻ: “Đơn vị đã và đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng nền tảng công nghệ số vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó từng bước cụ thể hóa chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đánh giá tổng quan, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam khẳng định, thời gian qua các bên đã phối hợp chặt chẽ, qua đó khảo nghiệm, chọn tạo được một số giống ngắn ngày đảm bảo năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng không được phép thỏa mãn, từ nền tảng đang có chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để có thêm nhiều giống mới đủ khả năng chống chịu và phát triển ổn định ở khu vực Bắc Trung Bộ, vốn là vùng đất rất giàu tiềm năng nhưng khắc nghiệt về khí hậu.

© Tuyên bố bản quyền