200 gốc táo Đại Mật mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng
Nhà vườn có 200 gốc táo từng bị úng ngập 7 ngày do bão Yagi năm 2024, nhờ áp dụng kỹ thuật phục hồi cây ăn trái đã thu được ngót 300 triệu đồng.
Phục hồi vườn táo sau bão lụt
Tưới nước lợ cho táo thêm giòn, đậm vị
Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La
Hợp tác xã dẫn dắt bà con trồng táo sạch, năng suất 70 tấn/ha
Tới đầu tháng 3, vườn táo Đại Mật của bà Chiều vẫn khá sai quả.
Thu nhập ngoài mong đợi
Vườn táo của bà Nguyễn Thị Chiều ở phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) từng bị ngập trắng 7 ngày bởi cơn bão Yagi (tháng 9/2024). Mưa bão đã gây hư hại toàn bộ phần rễ cây, làm rụng lá, hư cành, cũng như rụng hoa và quả non. Sau cơn bão, bà Chiều nghĩ rằng mùa táo năm 2024 – 2025 sẽ thất bát. Tuy nhiên, sau khi lên mạng, bà đã vào chuyên mục Khuyến nông trên Báo điện tử và tìm được thông tin để áp dụng kỹ thuật khắc phục cho vườn cây của gia đình, và kết quả đã vượt xa mong đợi.
Ban đầu, bà Chiều cũng không tin rằng có thể phục hồi được vườn táo sau khi ngập úng, nhưng với tâm lý “còn nước còn tát”, bà quyết định khơi sâu rãnh luống, rút nước và giảm độ ẩm trong đất, đồng thời thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật, rắc vôi khử khuẩn và bón phân qua lá để giúp cây hồi phục.
Khi mặt vườn đã khô ráo, bà Chiều tiếp tục bón phân siêu lân kích rễ và phun thuốc kích hoa, đậu quả và chống rụng quả. Bà cũng định kỳ bón 0,3kg NPK 13-13-13+TE cho mỗi cây sau mỗi 15 ngày. Nhờ vậy, vườn táo đã trở lại hình trạng sai hoa, trĩu quả.
Kết quả, trên 200 gốc táo giống Đại Mật, bà Chiều thu hoạch được hơn 6 tấn quả, trị giá gần 300 triệu đồng, tương ứng với giá trị thu hoạch 800 triệu đồng/ha. Theo bà Chiều, nếu không bị mưa bão, trong vụ thu hoạch đông xuân 2024 – 2025, mỗi cây sẽ cho trên 50kg quả, tổng sản lượng đạt 10 tấn, tương đương 500 triệu đồng cho 0,35ha vườn. Mặc dù thu nhập bị giảm, nhưng bà Chiều vẫn coi như được mùa so với nhiều vườn cây ăn trái hay rau màu khác.
Cuối mùa thu hoạch, vẫn còn nhiều trái táo nặng 0,2kg mỗi quả.
Đại Mật là giống táo nhập nội từ Đài Loan, với ưu điểm trái rất to, bình quân đạt 8 – 10 quả/kg, những cây táo nhỏ (1 – 3 năm tuổi) và trái đầu vụ có trọng lượng từ 200 – 250g mỗi quả, chất lượng quả giòn, ngọt, thơm. Đặc biệt là táo thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 thường được giá. Trong vụ thu hoạch đông xuân này, bà Chiều bán táo tại vườn với giá 50.000 đồng/kg.
Năm 2023, vườn táo Đại Mật 1 năm tuổi của bà cũng mang lại thu nhập 300 triệu đồng, nhưng giá cao hơn (60.000 đồng/kg).
Lưu ý thâm canh táo
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, giống táo nói chung có khả năng tái sinh cao, sinh trưởng khỏe, chống chịu úng ngập tốt, và có thể trồng 1 lần cho thu quả nhiều năm.
Với cây táo Đại Mật từ 3 năm tuổi trở lên, để đảm bảo năng suất, chất lượng cao, cần làm giàn chống đỡ chắc chắn cho các cành quả. Sau thu hoạch, cần đốn hạ, để lại 3 – 4 cành cấp 1 cao từ 30 – 40cm trên thân gốc và phân bố đều về các hướng. Sau đó, dọn sạch tàn dư thực vật, xới sâu mặt luống, phơi ải vườn, rải vôi bột để diệt khuẩn, cải tạo độ pH nhằm tạo điều kiện cho đất hấp thụ oxy, kích thích quần thể vi sinh vật đất phát triển và phục hồi sức khỏe tầng canh tác.
Dùng vỏ chai nước làm bình chứa feromon để dẫn dụ và diệt ruồi vàng trong vườn táo.
Thay vì phơi ải đất vườn, nên gieo vãi đậu nành, sau thu hoạch lấy hạt bón cho gốc táo, còn thân và rễ đậu phải được vùi sâu trong luống, tạo ra phân hữu cơ vi sinh.
Nhu cầu nước của cây táo rất cao, phải đảm bảo đất luôn đủ ẩm trong suốt vụ sản xuất, đặc biệt trong thời kỳ bật mầm, vươn cành, ra hoa và nuôi quả.
Ruồi vàng là đối tượng gây hại nặng nhất cho táo, rất khó phòng trừ triệt để. Táo Đại Mật là loại quả ăn tươi, không gọt vỏ, vì vậy cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng trị dịch hại tổng hợp, như thường xuyên dọn vệ sinh vườn cây, trong thời kỳ mang quả chỉ sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, kết hợp treo tấm dính màu vàng và bình feromon để dẫn dụ diệt ruồi vàng.
Trong giai đoạn phát triển cành, lá, chỉ được phép sử dụng các loại thuốc hóa học cho phép trong canh tác rau quả an toàn. Sau khi cây đậu quả, chỉ bón các loại đạm hữu cơ.
Vào mùa thu hoạch, thời tiết thường lạnh và mật độ ruồi vàng giảm, nhưng vẫn cần thu gom và chôn lấp tất cả các trái táo rụng để phòng trường hợp độ ẩm cao làm tăng mật độ ruồi vàng trở lại.
Kali giúp trái táo tăng độ ngọt nhưng phải cân đối với đạm, lân và dừng bón trước khi thu hoạch từ 15 – 20 ngày. Việc lạm dụng kali để tăng độ ngọt sẽ làm trái chậm phát triển và giảm hiệu quả sản xuất.