Thừa Thiên Huế nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Thừa Thiên Huế là kinh đô hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa. Thừa Thiên Huế có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển từ lâu đời, đã trở thành một trong cái nôi của làng nghề nước ta. Hiện, chính quyền và người dân rất tích cực bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.

Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế rất đa dạng, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Toàn tỉnh hiện có 86 làng nghề, tiêu biểu là các làng nghề: Nón (huyện Phú Vang), Đúc đồng Phường Đúc, thêu Phú Hòa (thành phố Huế), đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên, hương trầm Thủy Xuân, gốm Phước Tích, kim hoàn Kế Môn, rèn Hiền Lương, mây tre Trạch Phổ (huyện Phong Điền), đan lát Bao La, bún Ô Sa (huyện Quảng Điền), bún Vân Cù, bánh tráng Lựu Bảo (thị xã Hương Trà), rượu An Truyền, nón Mỹ Lam, tranh Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang), dệt zèng (huyện A Lưới), dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc).

Một số làng nghề tiêu biểu:

Thừa Thiên Huế nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Làng nghề làm nón lá Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.

Sản phẩm nón lá Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử lâu đời của vùng đất cố đô. Nón lá từ lâu đã ghi dấu ấn đậm sâu trong thơ ca, văn học nghệ thuật và cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng của người con gái Huế với nét đặc trưng riêng. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Phú Hồ, Mỹ Lam, Dạ Lê, Phú Cam, Ðốc Sơ…, nhưng nổi tiếng hơn cả là làng nghề làm nón lá Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.

Nón lá làng nghề Tây Hồ, đặc biệt là nón bài thơ, không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng.

Sản phẩm nón lá của làng nghề Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý nón lá Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2010. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được cấp chứng nhận và giao cho hội nón lá Huế quản lý và sử dụng. Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận làng nón để được chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Để gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống nón lá Huế phù hợp cuộc sống hiện đại, với sự tài trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation For Freedom – Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FNF Việt Nam), hội nón lá Huế vừa tổ chức hội thảo về “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế”.

Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên.

Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc. Với bề dày lịch sử hơn trăm năm được nhiều du khách biết đến và được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống năm 2014, với những sản phẩm chạm trổ tinh xảo được đúc rút kinh nghiệm từ bao đời, các sản phẩm điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên có sự chính xác trong kích thước, kỹ thuật mộc điêu luyện. Sản phẩm đã đến với người tiêu dùng khắp cả nước như: nhà rường truyền thống Huế, Trường kỷ, salon, tượng gỗ các loại, các sản phẩm mộc dân dụng (bàn ghế, tủ, giường).

Nghề điêu khắc, mộc đã đem lại nguồn doanh thu cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh, giải quyết được vấn đề về việc làm cho số lượng lớn lao động trong và ngoài địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển làng nghề còn nhiều hạn chế, nguồn lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh chưa cao, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Với quyết tâm khôi phục, phát triển làng nghề đúng với tiềm năng, bề dày lịch sử của làng nghề truyền thống, trong thời gian qua, UBND huyện Phong Điền đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch để phát triển, nâng tầm làng nghề Điêu khắc, mộc Mỹ Xuyên.

Làng nghề hương trầm Thủy Xuân.

Làng nghề hương trầm Thủy Xuân nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về phía Tây Nam, đây là làng hương lớn nhất của Huế. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm hương, sản phẩm đã trở thành món quà văn hóa tâm linh đặc biệt của vùng đất Cố đô. Nét đặc trưng của hương trầm xứ Huế thể hiện rõ ở mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của trầm, đốt cháy đều và không độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính những nét đặc trưng này đã giúp cho làng nghề hương trầm Thủy Xuân tồn tại, duy trì phát triển tốt và nổi tiếng khắp cả nước.

Sản phẩm của làng hương Thủy Xuân, Thừa Thiên Huế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những năm gần đây người dân làng hương Thủy Xuân đã sản xuất đa dạng các sản phẩm từ hương trầm gồm các sản phẩm; nụ trầm, hương trầm, vòng trầm, tinh dầu trầm. Bên cạnh đó, người dân làng hương Thủy Xuân đã khai thác, phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm làm hương đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến nay, làng hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến Huế, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của Huế. Sản phẩm hương trầm Thủy Xuân đã được đón nhận danh hiệu; Tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hương Trầm Huế” cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân, thành phố Huế.

Định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Trong những năm qua, thông qua các chương trình, đề án, dự án, từ nhiều nguồn kinh phí của các sở ngành và địa phương đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Đặc biệt, qua các kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế diễn ra trong những năm qua đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế (như nghề pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may áo dài truyền thống; giấy trúc chỉ; các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên). Đồng thời, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình. Một số làng nghề như mây tre đan Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Chài đã được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại nên đã phát triển khá tốt.

Để bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch.

© Tuyên bố bản quyền