Huyện Trấn Yên (Yên Bái) tăng cường trồng và khai thác tiềm năng của sản phẩm măng tre Bát Độ.
Cây măng tre Bát Độ đã được đưa vào trồng ở huyện Trấn Yên từ năm 2003, đến nay đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo chủ lực cho nhiều hộ dân ở các xã như Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng, Y Can, Hưng Khánh.
Là cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm bắt đầu ra măng, năm thứ hai thu hái, trung bình trong ba năm giai đoạn kiến thiết cơ bản cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Măng tre Bát Độ giai đoạn kinh doanh, với điều kiện chăm sóc đảm bảo cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Ước tính năm 2019, sản lượng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ đạt trên 50.000 tấn măng vỏ tươi, tăng 10.000 tấn so với năm 2018.
Măng tre Bát Độ đã và đang là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao huyện Trấn Yên.
Trấn Yên hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ.
Việc trồng măng tre Bát Độ tại huyện Trấn Yên đã và đang cho thấy hiệu quả rất tích cực, thời gian tới, để nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm, huyện Trấn Yên đang hướng người trồng măng sản xuất theo hướng thâm canh, chăm sóc và cải tạo những diện tích tre già cỗi; bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thu mua, chế biến sản phẩm măng, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể:
Thứ nhất, huyện Trấn Yên chú trọng trồng thâm canh nhằm nâng cao năng suất sản phẩm măng tre Bát Độ.
Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất măng tre Bát Độ, duy trì ổn định, bền vững vùng nguyên liệu, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, trong thời gian qua, trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên” tại một số xã vùng trọng điểm trồng tre Bát Độ của huyện. Kết quả bước đầu cho thấy việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh diện tích tre Bát Độ đã có tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng măng như: Tre sinh trưởng tốt; măng ra sớm hơn; tăng số lượng măng/khóm; tăng số lứa thu hoạch trong năm; hạn chế sâu bệnh.
Hiệu quả kinh tế trong những năm qua đã khẳng định rằng cây tre Bát Độ đã khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trấn Yên. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển các vùng tre măng hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020, diện tích măng tre Bát Độ trồng mới là 1.000 ha, nâng tổng diện tích măng tre Bát Độ của huyện lên 3.500-4.000 ha.
Thứ hai, thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ của người dân trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã triển khai những chính sách ưu đãi, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến loại sản phẩm này, từng bước gắn kết vùng nguyên liệu sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết “4 nhà” bao gồm: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người nông dân yên tâm hơn vào việc trồng măng tre. Nhờ đó, sản phẩm măng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên đã được các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty Cổ phần Yên Thành bố trí các điểm thu mua ngay tại xã, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân thuộc vùng quy hoạch với mức giá ổn định và hợp lý.
Trên thực tế, việc thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ đã được hai xã Kiên Thành và Hồng Ca (hai xã trọng điểm trồng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên) triển khai thực hiện và đạt được kết quả rất tốt, trong đó:
Đối với xã vùng cao Kiên Thành, đây được ví như thủ phủ của măng tre Bát Độ huyện Trấn Yên, với diện tích trên 1.600 ha, trên 70% số hộ dân trong xã tham gia trồng, sản xuất măng tre. Bình quân mỗi năm toàn xã thu trên 30 nghìn tấn măng tươi, bán thu về trên 50 tỷ đồng, nhiều gia đình đã thoát nghèo và làm giàu từ cây tre măng này. Không phát triển tự phát mà trồng theo quy hoạch và liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, do vậy toàn bộ sản phẩm măng tre trên địa bàn xã được Công ty Vạn Đạt thu mua với giá ổn định.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 20 hộ thành viên và các hộ dân trong xã; đồng thời, thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc măng. Năm 2018, HTX đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành liên kết chế biến sản phẩm măng tre Bát độ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Năm 2019, HTX tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua măng, là đầu mối thu mua và sơ chế toàn bộ sản phẩm măng tre Bát Độ trên địa bàn xã Kiên Thành. Ngay từ đầu vụ, HTX đã triển khai thu mua đến các thôn và sơ chế tại chỗ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân khai thác sản phẩm. Giá thu mua đảm bảo theo giá thị trường và quy định của công ty. Điều này đã tạo thêm động lực để nông dân xã Kiên Thành yên tâm, gắn bó hơn với nghề trồng măng, đưa cây măng tre Bát Độ trở thành cây trồng chủ lực.
Giống như Kiên Thành, xã Hồng Ca một vài năm trở lại đây phát triển khá mạnh vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ. Hiện nay, diện tích tre măng Bát Độ của xã Hồng Ca là trên 1.057 ha, thuộc thôn Nam Hồng, Liên Hợp, Đồng Đình, Khuôn Bổ, Khe Tiến, Hồng Hải.
Để tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân, xã phối hợp với Công ty Vạt Đạt, HTX dịch vụ Tổng hợp Hồng Ca tiến hành tổ chức các điểm cân măng tại các thôn: Liên Hợp, Khe Ron, Khe Tiến, Nam Hồng, Hồng Hải, Đồng Đình, Hồng Lâu, Khuôn Bổ đảm bảo phù hợp các vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn xã, đồng thời thông báo về giá cả, thời gian thu mua, quy cách, chất lượng sản phẩm tới các điểm cân và các hộ nhân dân trồng măng trên địa bàn xã. Với 420 ha đã cho thu hoạch trên 5.700 tấn măng vỏ tươi.
Để tiếp tục mở rộng diện tích với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân, trong năm 2019, xã Hồng Ca đã trồng được 125,9 ha. Chủ trương của xã là không mở rộng diện tích trồng măng tre Bát Độ mà tập trung vào chăm sóc diện tích đã trồng tạo năng suất, sản lượng. Với trên 1.000 ha măng tre hiện tại nếu đầu tư chăm sóc tốt khi qua thời gian kiến thiết cơ bản mỗi năm sẽ thu về trên 50 tỷ đồng.
Với những chủ trương và định hướng phát triển sản phẩm măng tre Bát Độ, huyện Trấn Yên đang cho thấy hiệu quả rất đáng kể từ các mô hình trồng cũng như việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hy vọng thời gian tới, sản phẩm măng Bát Độ của huyện Trấn Yên không chỉ là sản phẩm xóa đói giảm nghèo mà còn là sản phẩm hàng hóa lớn được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.