Duy trì và phát triển thương hiệu Măng cụt Li Thiu – Bình Dương
Măng cụt Lái Thiêu là đặc sản nổi tiếng của Thuận An, tỉnh Bình Dương, với nhiều thuận lợi về đất đai, địa lý và khí hậu nên trái măng cụt Lái Thiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho các nhà vườn cũng như tỉnh Bình Dương.
Măng cụt Lái Thiêu được trồng nhiều nhất tại phường Lái Thiêu và xã An Sơn. Măng cụt Lái Thiêu có điểm khác biệt với các trái măng cụt khác đó là kích thước của cuống ngắn, hình dáng quả măng cụt là vỏ nhẵn bóng, không sần sùi, không nứt, màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt, trái không tròn đều, màu sắc không bắt mắt nhưng vỏ mỏng hơn và có vị ngọt thanh pha lẫn chút vị chua dịu, thịt quả mềm, mịn. Với thuận lợi về đất đai, địa lý và khí hậu, trái măng cụt Lái Thiêu được đánh giá là ngon và chất lượng hơn so với các vùng miền khác. Với địa thế trải dài bên bờ sông Sài Gòn, được phù sa bồi đắp và khí hậu ưu đãi quanh năm, vùng miệt vườn Lái Thiêu luôn cho ra trái sum suê, mang lại giá trị kinh tế cao nâng cao thu nhập cho người dân.
Để giữ vững, nâng cao và phát triển thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, từ năm 2010 – 2013, Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An đã có những đợt tổ chức điều tra khảo sát sơ bộ và thu thập thông tin, tài liệu, cơ sở khoa học cho việc triển khai các dự án. Kết quả đến tháng 8/2012, măng cụt Lái Thiêu đã lọt vào Top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam bình chọn, và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu với thời gian sở hữu thương hiệu 10 năm bắt đầu từ tháng 8/2013. Hội Nông dân Thuận An là đơn vị có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu và chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại Thuận An mới được phép sử dụng nhãn này để dán lên sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác nguồn gốc măng cụt Lái Thiêu.
Giữ vững và đẩy mạnh thương hiệu đặc sản măng cụt Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.
Kể từ khi thương hiệu Măng cụt Lái Thiêu được Cục sở hữu trí tuệ công nhận, các nhà vườn đã có ý thức hơn là cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và ngày càng tạo được uy tín trên thị trường.
Đặc sản Măng cụt Lái Thiêu, Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Nhằm nâng cao giá trị thương mại cho loại trái cây đặc sản măng cụt Lái Thiêu và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” đồng thời giúp gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao giá trị kinh tế – xã hội, văn hóa của địa phương, bảo tồn giống trái cây ngon, đặc sản, truyền thống của Lái Thiêu – Bình Dương. Trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu, tỉnh Bình Dương tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân, kết nối với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho sản phẩm.
Tỉnh Bình Dương cũng phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng cụt Lái Thiêu ra thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khai thác diện tích trồng măng cụt để phát triển du lịch. Thuận An cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây để phát triển du lịch các xã, phường ven sông Sài Gòn, đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm giúp trái măng cụt Lái Thiêu khẳng định vị thế trên thị trường, hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để xây dựng một thương hiệu măng cụt Lái Thiêu uy tín, hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao cần phải được đầu tư, quy hoạch đồng bộ. Việc đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cho măng cụt Lái Thiêu là mở ra những triển vọng mới trong việc tạo dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, bảo tồn măng cụt Lái Thiêu có chất lượng đặc trưng riêng của địa phương, đưa sản phẩm măng cụt Lái Thiêu chinh phục người tiêu dùng trong nước và tiến xa hơn trên thị trường thế giới.