Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh.
Tỉnh Tây Ninh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn khá lớn, nhất là phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp đã và đang có những bước phát triển mạnh, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 trở lên. Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao và có ít nhất 55 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, với tỷ lệ tối thiểu có 76% các cơ sở, doanh nghiệp OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Tây Ninh cần tập trung triển khai sử dụng quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương để thu hút đầu tư; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất; rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất, định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường; phát triển hạ tầng nông nghiệp qua việc đầu tư xây dựng thủy lợi, giao thông, hệ thống lưới điện; hình thành các vùng sản xuất tập trung (vùng nhãn Truông Mít, vùng sầu riêng Bàu Đồn, vùng cây ăn trái Suối Dây…); tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (lãi vay thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất-tiêu thụ, áp dụng VietGAP…); đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Tây Ninh đang định hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu, đồng thời triển khai chuỗi sản xuất gắn liền với tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho nhà máy chế biến nông sản Tanifood tại xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu).
Để thực hiện định hướng trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Gò Dầu đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường. Trong đó, các loại cây ăn trái giá trị cao như sầu riêng, nhãn, thanh long, dứa… là những cây trồng chủ lực được địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi.
Một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh:
Bò tơ Tây Ninh:
Tổng đàn bò toàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 97.000 con, được nuôi nhiều ở thị xã Trảng Bàng (trên 28.300 con), huyện Châu Thành (11.700 con), huyện Dương Minh Châu (9.400 con) và thị xã Hoà Thành (trên 2.700 con).
Riêng bò sữa chỉ nuôi chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng (4.800 con) và huyện Bến Cầu (Trang trại Vinamilk 8.000 con). Sản lượng thịt bò khoảng 7.500 tấn/năm, tiêu thụ trong tỉnh chiếm 40% và tiêu thụ ngoài tỉnh chiếm 60%, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh.
Để nâng cao chất lượng giống bò thịt tại Tây Ninh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai một số đề tài, dự án khoa học công nghệ về chăn nuôi bò thịt; dự án lai, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò cái nền của tỉnh… và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý, hiện nay, tỉnh đang thực hiện đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, có nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Bò Tây Ninh”.
Hiện NHCN “Bò Tây Ninh” đang chờ Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ để triển khai các công việc cuối cùng của đề tài bao gồm tập huấn công tác quản lý và sử dụng NHCN, thí điểm cấp quyền sử dụng NHCN, tổ chức hội nghị công bố kết quả tạo lập và đề xuất phương án phát triển NHCN trong thời gian sắp tới.
Mãng cầu (na):
Tây Ninh có tổng diện tích sản xuất mãng cầu là 5.486 ha, lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở 03 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh, với sản lượng 71.750 tấn/năm và năng suất bình quân là 14,2 tấn/ha, hầu như chi phối thị trường cả nước. Sản phẩm “Mãng cầu Bà Đen Tây Ninh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2011. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 155,8 ha mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Quả mãng cầu Tây Ninh được trồng ở khu vực Núi Bà Đen có đường kính khá đồng đều, trung bình từ 7 đến 8 cm. Mỗi trái có trọng lượng trung bình vào khoảng 179,6g. Đồng thời, loại quả này còn có hàm lượng protein, đường, năng lượng (calories) cao hơn trung bình rất nhiều. Phần thịt của mãng cầu Bà Đen cũng dai hơn so với những loại khác, hạt nhỏ, vị ngọt và mùi thơm dễ chịu.
Những năm gần đây, nhờ có chính sách bảo tồn và phát triển giống cây nông nghiệp quý của Nhà nước nên mãng cầu Bà Đen đã có nhiều cơ hội phát triển hơn. Nhờ vậy, người dân cũng đầu tư mạnh để nhân giống và chăm sóc cây trồng một cách bài bản, tạo ra loại mãng cầu ngon nhất phục vụ thị trường.
Bánh tráng phơi sương:
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2011 và Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
Bánh tráng phơi sương là loại bánh tráng đặc sản ở thị xã Trảng Bàng-Tây Ninh. Bánh dẻo, có vị mặn, có dạng hình tròn tương tự với các loại bánh tráng khác nhưng có màu trắng đục hơn và lấm tấm những hạt bong bóng nổi trên mặt bánh, có thể sử dụng trực tiếp không cần phải nhúng nước hay nướng giòn.