Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng phát triển vùng trồng bưởi da xanh để chuyển đổi canh tác.

Bưởi là một trong những cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển vùng bưởi da xanh chuyên canh. Với mô hình sản xuất bưởi chuyên canh, người dân có thể ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đảm bảo nguồn cung, nâng cao chất lượng, theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Tập trung quy hoạch phát triển vùng bưởi da xanh chuyên canh

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế mạnh để phát triển các vùng trồng bưởi chuyên canh nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bưởi là loại trái cây có vỏ dày, dễ bảo quản, thời gian bảo quản sau thu hoạch dài nên có thể xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp.

Chất lượng bưởi của Việt Nam được đánh giá vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhờ có vị ngọt vừa phải, thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu, Mỹ. Bưởi da xanh của Việt Nam có ưu điểm múi tách dễ dàng, không bị dính lớp màng, ráo nước và khi ăn không bị đắng.

Nhờ đảm bảo chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trái bưởi của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo được uy tín trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây được coi là cây trồng chủ lực nhằm phát triển kinh tế, trái bưởi da xanh được khuyến khích mở rộng vùng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiệu quả kinh tế trái bưởi da xanh mang lại rất lớn

Diện tích trồng bưởi da xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 6.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long. Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây ăn quả chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tại tỉnh Bến Tre, diện tích trồng bưởi da xanh chiếm 20% diện tích trái cây ăn quả của toàn tỉnh. Bưởi da xanh được trồng chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giống Trôm, Chợ Lách và Thành phố Bến Tre.

Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với trái bưởi da xanh. Kết quả đạt được rất tích cực, chất lượng bưởi da xanh đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe ngay cả đối với các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất bưởi da xanh và liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế trái bưởi da xanh mang lại cho người dân tỉnh Bến Tre rất lớn, thu nhập người dân từ 400 – 500 triệu đồng/ha.

Trái bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các vùng trồng bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm: huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và Thành phố Bến Tre, sẽ được chỉ dẫn địa lý đối với loại trái cây này.

Tại tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng bưởi chuyên canh đạt gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành.

So với các loại cây trồng khác, bưởi da xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp nhưng lại cho năng suất ổn định. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết kế mô hợp lý, trồng mật độ thoáng. Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được người dân tính toán cẩn thận. Các loại phân bón hữu cơ, vi sinh được ưu tiên, còn các loại phân lân, đạm và kali chỉ được dùng vào thời điểm thích hợp với hàm lượng hợp lý, đúng quy chuẩn. Đặc biệt, người dân đã chủ động xử lý cho cây ra hoa sớm hoặc muộn, năng suất ổn định và tránh tình trạng mất giá.

Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng phát triển vùng trồng bưởi da xanh để chuyển đổi canh tác.

Bưởi da xanh Tiền Giang được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã đưa trái bưởi da xanh vào suất ăn phục vụ hành khách trên các chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam nằm trong chương trình “Bốn mùa cây trái – Bốn mùa yêu thương”. Việc kết nối tiêu thụ trái bưởi da xanh trên còn giúp tỉnh Tiền Giang quảng bá thương hiệu trái cây ra thị trường nước ngoài.

Ngoài các tỉnh có diện tích canh tác bưởi da xanh lớn, thì loại trái cây này cũng rất phát triển tại các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại tỉnh Đồng Tháp, để có thể trồng bưởi da xanh trên đất phèn, người dân đã chọn những giống thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, sau đó ghép cành trên gốc sẵn có, giúp cây phát triển nhanh và mạnh hơn so với cách chiết cành truyền thống. Bên cạnh đó, người dân tỉnh Đồng Tháp còn ghép những gốc bưởi long Cổ cò, bưởi Năm roi, bưởi gai với bưởi da xanh để tạo nên vườn bưởi da xanh phát triển rộng trên vùng đất phèn chua.

Bưởi da xanh là giống bưởi ngon, có chất lượng và giá thành cao. Mô hình trồng bưởi da xanh của tỉnh Đồng Tháp được áp dụng kiến thức khoa học, quy trình, kỹ thuật được chuyển giao nên chất lượng đảm bảo. Giá bán bưởi da xanh cao, thu nhập bình quân từ 400 – 600 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng bưởi da xanh trên đất phèn chua của tỉnh Đồng Tháp thu được kết quả khả quan, mở ra một triển vọng mới trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị canh tác. Mô hình canh tác này đã góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tập trung phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh trong thời gian tới

Hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển mà trái bưởi da xanh mang lại rất lớn. Thời gian tới, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác và liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng chuyên canh, đăng ký chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ thị trường xuất khẩu. Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam đã có hiệu lực, dung lượng thị trường nhập khẩu bưởi của EU rất lớn. Tuy nhiên, để trái bưởi Việt Nam mở rộng thị phần tại EU, ngành bưởi Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện diện tích bưởi được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn VietGAP và GlobalGAP còn thấp. Trong khi công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn khá thô sơ, chưa thể đảm bảo sản lượng để phục vụ xuất khẩu bền vững. Do đó, cần thiết phải xây dựng các vườn bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

© Tuyên bố bản quyền