Gạo nếp Mường V thơm dẻo

– Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 3 sao

– Cơ sở sản xuất: Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phượng – Huyện Sốp Cốp – Tỉnh Sơn La

Nếp tan Mường Và là giống lúa đặc sản thơm ngon nổi tiếng vùng đất Sốp Cộp, được gieo trồng, canh tác, gìn giữ qua rất nhiều thế hệ. Gạo nếp tan Mường Và mang hương vị đậm đà, dẻo thơm đặc biệt, trở thành sản phẩm hàng hóa được công nhận thương hiệu, có giá trị trên thị trường, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Giới thiệu chung

Sốp Cộp là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Sơn La với diện tích tự nhiên 147.342 ha. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi để phát triển trồng trọt, đặc biệt là cây lúa nếp. Giống lúa nếp tan là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Sốp Cộp, được gieo trồng, canh tác gìn giữ qua rất nhiều thế hệ.

Mường Và là xã trồng lúa nếp tan lớn nhất huyện Sốp Cốp với gần 300 ha, là nơi trồng lúa nếp nổi tiếng nhất, thơm ngon nhất. Gạo nếp tan Mường Và mang hương vị đậm đà, dẻo thơm đặc biệt, đã trở thành sản phẩm hàng hóa được công nhận thương hiệu, có giá trị trên thị trường. Theo đánh giá, hàm lượng protein trong gạo nếp tan Mường Và khoảng 12,04%, khá cao so với những loại gạo khác. Đây là một đặc tính nổi bật của gạo nếp tan Mường Và, góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho loại nếp tan này.

Đặc điểm của gạo nếp tan Mường Và có hạt to, mẩy, dài, hương vị thơm, dẻo, ngon. Trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp, gạo nếp tan là thực phẩm quan trọng, được chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phổ biến nhất là món cốm và xôi.

Gạo nếp Mường V thơm dẻo

Hoạt động sản xuất

Hiện tại, toàn huyện Sốp Cộp có trên 1.100 ha trồng lúa nếp tan, sản lượng hàng năm khoảng 4.500 – 5.000 tấn. Diện tích lúa nếp tan tập trung chủ yếu tại 5 xã: Mường Lạn, Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Nậm Lạnh, với diện tích trên 850 ha, sản lượng khoảng 3.700 tấn.

Giống lúa nếp tan Mường Và được trồng một vụ trong năm, kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu gieo mạ vào đầu tháng 5 dương lịch và thu hoạch vào cuối tháng 11 dương lịch hàng năm. Năng suất bình quân lúa nếp tan là 5 tấn/ha với chất lượng tốt. Năm 2019, Hợp tác xã Nam Phượng đã bán 100 tấn lúa nếp tan, với giá 1,2 triệu đồng/tấn.

Giống lúa nếp tan Mường Và

Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nếp Mường Và – Sốp Cộp”, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Điều này có ý nghĩa quan trọng với người dân nơi đây, đồng thời là cơ hội giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và được lựa chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La trong năm 2019 và Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp được lựa chọn là đơn vị sản xuất.

Việc phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa nếp tan Mường Và, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thị trường tiêu thụ

Hiện nay, ngoài việc cung cấp chủ yếu cho người dân trong vùng, sản phẩm gạo nếp tan Mường Và của Hợp tác xã Nam Phượng cũng đã có mặt tại các siêu thị trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, huyện Sốp Cộp tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm, đưa sản phẩm tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của huyện và tỉnh, hỗ trợ HTX tìm kiếm đơn vị phân phối, góp phần mở rộng thị trường và tạo uy tín cho sản phẩm nếp tan Mường Và – Sốp Cộp.

© Tuyên bố bản quyền