Nâng cao giá trị tri thức của huyện Phong Điền

Huyện Phong Điền (Cần Thơ) là địa phương có truyền thống trồng cây ăn trái nhiều năm qua. Từ năm 2005, huyện đã tập trung chỉ đạo khôi phục lại vườn cây ăn trái có chất lượng cao. Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Phong Điền dự kiến sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 7.500-8.000 ha. Diện tích này được sản xuất theo mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, thân thiện môi trường, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu trái cây của Cần Thơ trên thị trường.

Nâng cao giá trị tri thức của huyện Phong Điền

Vườn trái cây tại huyện Phong Điền

Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 15km về phía nam. Thời tiết tại Phong Điền nắng gió dễ chịu quanh năm vì vậy thích hợp với trồng trái cây. Vườn trái cây Phong Điền có diện tích 7.200 ha cây ăn trái, được mọi người biết đến với tên gọi “vương quốc trái cây” của khu vực miền Tây. Nơi đây đã cho ra đời những loại trái cây ngon nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài như Dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, mận An Phước cùng nhiều loại trái cây được nhiều người yêu thích như nhãn da bò, măng cụt, sầu riêng, táo hồng, mít nghệ.

Sản xuất trái cây tại huyện Phong Điền đem lại thu nhập cao.

Huyện Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái tập trung lớn với 7.200ha, trong đó có 6.000ha vườn đang cho trái. Riêng các loại trái ngon đặc sản có hơn 3.500ha, đem lại thu nhập cao cho người trồng. Nổi bật nhất là các vườn chuyên canh vú sữa hơn 1.000ha, sầu riêng 500ha, dâu các loại 800ha, nhãn Edor, nhãn da bò hơn 400ha và chiếm diện tích khá lớn là vườn cây có múi các loại.

Tại địa phương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng vú sữa Giai Xuân với hơn 300ha, vùng dâu Hạ Châu, xã Nhơn Ái hơn 350 ha, vùng nhãn Trường Long, xã Nhơn Nghĩa hơn 150 ha/vùng, vùng hoa kiểng Tân Thới hơn 200.000 chậu/năm, vùng lúa chất lượng cao Trường Long, Giai Xuân hơn 300ha.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay bình quân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của Phong Điền đạt hơn 140 triệu đồng/ha/năm. Vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập từ 150 – 350 triệu đồng/ha.

Dâu Hạ Châu là loại cây ăn quả nổi tiếng của vùng đất Phong Điền, là loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vào mùa dâu chín rộ, những chùm dâu to, trĩu nặng màu vàng ươm đeo quanh thân cây từ gốc đến ngọn. Dâu Hạ Châu Phong Điền thường cho trái 3 vụ/năm: vụ chính vào tháng 4, tháng 5 âm lịch; vụ thứ 2 vào tháng 8 âm lịch; vụ muộn vào tháng 1 âm lịch.

Tuy xuất hiện muộn hơn các loại trái cây khác ở đây như dâu bòn bon, dâu da xanh, dâu xiêm, chôm chôm, nhưng với những ưu điểm vượt trội về hình dáng, màu sắc và chất lượng, dâu Hạ Châu rất được ưa chuộng và đã làm nên thương hiệu cho vùng đất Phong Điền. Dâu Hạ Châu chín có màu vàng nhạt, da căng mọng, vị ngọt thanh và hơi chua rất hấp dẫn. Mỗi cây dâu trưởng thành từ 6 đến 9 năm tuổi sẽ cho năng suất từ 300 đến 450 kg/năm.

Trong những năm gần đây, Phong Điền là một trong những điểm phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch làng nghề kết hợp với ẩm thực ở TP Cần Thơ. Do đó, du khách khắp nơi đến Phong Điền ngày càng đông dần. Và dâu Hạ Châu là một trong những loại trái đặc sản được du khách tham quan tìm mua thưởng thức cũng như mang về nhà làm quà biếu cho người thân.

Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới chọn trái vú sữa làm hàng hóa xuất khẩu. Ở Cần Thơ, vú sữa là loại cây được trồng khá phổ biến, đặc biệt ở huyện Phong Điền có đến 800 ha chuyên canh cây vú sữa. Những nơi trồng nhiều loại cây này là thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh. Bà con nông dân Phong Điền đã phát triển mạnh loại cây vú sữa, nhiều nhất là ở ấp Nhơn Lộc IA, thị trấn Phong Điền, nơi có gần 80% hộ trồng vú sữa.

Sản lượng vú sữa Phong Điền đạt khoảng 18.000 tấn/năm, với nhiều giống đa dạng, nhiều nhất vú sữa Lò Rèn hơn 950ha, kế đến là các giống vú sữa tím bắc thảo, vú sữa cà na, vú sữa bơ hồng, vú sữa bắc thảo (màu nâu), vú sữa tứ quý. Ở Phong Điền mùa cho trái chính vụ từ tháng chạp qua tháng giêng kéo dài đến tháng hai.

Ở Huyện Phong Điền, Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A và Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng là 2 địa điểm trồng vú sữa có diện tích khá lớn tại Phong Điền. Hợp tác xã vườn cây ăn trái ấp Trường Khương A có tổng diện tích canh tác gần 35 ha, trên 30 xã viên; Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng có tổng diện tích trên 24 ha, với 20 thành viên. Thời gian qua, bà con tham gia các mô hình trên được liên kết sản xuất, giảm chi phí canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và cho lợi nhuận khá cao.

Đặc sản “Cam Mật – Phong Điền” Cần Thơ từ lâu được nhiều người biết đến, đây là thương hiệu Cam nổi tiếng trong cả nước. Cam mật Phong Điền được biết đến vào những năm 1950-1960 và trở thành sản vật đặc trưng của miệt vườn nơi đây.

Đây là loại đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước, không lẫn vào đâu được với những đặc trưng rất lạ: hương vị thơm ngon, vỏ sáng óng, múi to hạt nhỏ, màu xanh tự nhiên bắt mắt người tiêu dùng.

Phong Điền còn được biết đến với mít nghệ siêu sớm có gốc tận miền Đông Nam Bộ. Sau 18 tháng trồng, cây sẽ cho trái, nặng bình quân 10-15kg/trái, có trái nặng tới 20kg. Xẻ trái mít nghệ siêu sớm ra, không thể phân biệt được đâu là múi đâu là xơ, đặc biệt xơ mít ăn cũng ngon như cơm mít.

Phong Điền còn nổi tiếng với một loại mít, đó là mít tư quý da xanh, loại mít có mặt suốt 4 mùa trong năm. Với thời gian một năm rưỡi cây sẽ cho trái thu hoạch. Bình quân mỗi trái nặng khoảng 10kg, có trái nặng đến 18kg. Mít có vỏ xanh ruột đỏ hấp dẫn mọi du khách khi thưởng thức.

Xây dựng vùng chuyên canh là nhằm sản xuất trái cây với số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Khó khăn hiện nay của huyện Phong Điền là nếu làm được quy trình sản xuất trái cây chất lượng nhưng số lượng lại không đủ cung ứng thì cũng khó phát triển. Do đó, quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái là điều cần thiết.

Bước đầu hình thành vùng chuyên canh cũng sẽ gặp khó, bởi hiện tại nông dân đang trồng mỗi người mỗi kiểu; có diện tích mới trồng, có nơi lại đang cho thu hoạch; các loại cây cũng không theo quy hoạch như dự tính.

Huyện Phong Điền với 83,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 90% dân số sống ở nông thôn. Trong đó, các mô hình sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP đang là một trong những định hướng chính của đề án phát triển nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu dựa trên lợi thế, tiềm năng của huyện về cây ăn trái, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung quy hoạch, xây dựng 3 mô hình sản xuất chuyên canh cây ăn trái theo hướng VietGap có quy mô từ 30-50ha, kết hợp phát triển du lịch gắn với hợp tác xã. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ đáp ứng yêu cầu thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.

Đáng chú ý, Phong Điền đã thực hiện chuyển đổi gần 2.800 ha vườn cây ăn trái, 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái có giá trị cao. Xây dựng nhiều vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh quy mô lớn như: vùng vú sữa Gia Xuân, vùng sầu riêng Tân Thới, vùng dâu Nhơn Ái, vùng nhãn Nhơn Nghĩa, tạo tiền đề để huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá lớn và phát triển du lịch sinh thái vườn. Cùng với đó là việc thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Thông tin về đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái mà thành phố Cần Thơ sắp triển khai tại huyện Phong Điền với trung tâm là xã Nhơn Nghĩa được nhiều nông dân mong đợi với kỳ vọng đem lại những thay đổi tích cực cho sản phẩm trái cây của địa phương; đóng góp nhiều cho kinh tế của huyện.

Đề án quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao phục vụ xuất khẩu rộng 700 ha ở huyện Phong Điền được người dân địa phương này kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi lớn trong thời gian tới.

Phong Điền là địa phương có truyền thống trồng cây ăn trái nhiều năm qua. Từ năm 2005, huyện đã tập trung chỉ đạo khôi phục lại vườn cây ăn trái có chất lượng cao. Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Phong Điền dự kiến sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 7.500-8.000 ha, tăng thêm từ 1.000-1.500 ha so với hiện nay. Diện tích này được sản xuất theo mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, thân thiện môi trường, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu trái ngon của Cần Thơ trên thị trường.

Từ cây truyền thống là dâu Hạ Châu đã phát triển thêm những loại cây như quýt, cam sành, vú sữa và sầu riêng. Từ cơ sở này đã góp phần cho huyện Phong Điền tăng số hộ khá, giàu, vươn lên thành huyện nông thôn mới. Hiện Phong Điền có một số loại cây chủ lực đang có ưu thế như vú sữa. Mặc dù là loại cây nhập từ tỉnh khác về nhưng hiện tại vú sữa đang được nông dân Phong Điền áp dụng chăm sóc theo tiến bộ khoa học – kỹ thuật nên chất lượng rất tốt. Huyện đã có 2 vùng trồng vú sữa được cấp mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.

Phong Điền còn có một số vùng trồng sầu riêng, nhãn Edor, nhãn xuồng đều có hiệu quả. Do đó, việc quy hoạch lại thành từng vùng, để người dân tiếp nhận khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn, đăng ký thương hiệu sản phẩm là hành động cụ thể giúp cho nông dân phát triển.

Để trái cây của huyện Phong Điền được phát triển và gắn với thương hiệu của mình, các tổ hợp tác, hợp tác xã cần nỗ lực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng mong muốn doanh nghiệp có thể gắn chặt với nông dân và có đầu tư đầu vào cũng như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân thì giá cả sẽ được ổn định hơn.

Cùng với đó là duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc cải tạo lại vùng sản xuất, từng bước thay thế diện tích sản xuất giống cũ cho sản phẩm kém chất lượng bằng các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.

Đồng thời, ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, giúp chủ sở hữu nhãn hiệu phát triển thương hiệu; hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế, đóng gói, bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian sử dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

© Tuyên bố bản quyền