Cần thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và phát triển nghề rèn Tiến Lộc.
Làng rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là tên gọi chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn. Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, làng rèn Tất Tác đã có những đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bằng việc rèn các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ chiến đấu, đồng thời cũng là nơi cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp những người thợ tài ba trong lĩnh vực rèn, cơ khí.
Kể từ năm 2005, làng rèn Tất Tác đã được quy hoạch thành cụm làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc với diện tích 3,5 ha. Sản phẩm của làng nghề phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, từ cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm gặt phục vụ nông nghiệp đến các chi tiết máy phục vụ công nghiệp như nhíp ô tô, bánh máy; các sản phẩm tràng, đục dành cho nghề mộc; dao quắm, búa kiểm lâm dùng trong lâm nghiệp, hay đơn giản là những con dao, cái kéo dành cho sinh hoạt hàng ngày. Cùng với làng Ngọ, làng Sơn và làng Bùi, hiện nghề rèn Tiến Lộc cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.500 hộ/2.700 hộ tham gia, chiếm hơn 50% số hộ trong xã.
Sản phẩm từ làng rèn thủ công truyền thống xã Tiến Lộc
Trong những năm gần đây, bằng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với các làng nghề truyền thống, đồng thời người thợ đã năng động hơn, du nhập các loại máy móc, công nghệ mới, không ngừng sáng tạo, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, nghề rèn ở Tiến Lộc đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Máy móc đã thay cho bàn tay con người ở hầu hết các hộ tham gia sản xuất. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy. Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ có máy móc, nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn.
Đặc biệt, Tiến Lộc đã được tỉnh Thanh Hóa đầu tư và quy hoạch làng nghề tập trung. Tuy số hộ mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số hộ làm nghề trong xã, nhưng đã tạo bước đột phá quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Hầu hết các hộ trong làng nghề đã xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất ổn định, thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc, công nghệ hiện đại, đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng.
Tính đến cuối năm 2018, toàn xã Tiến Lộc đã có 6 tổ hợp máy cán rút thép; 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp; trên 20 xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít; trên 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, sắt; trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm; hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm; trên 300 máy búa, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào, hàng nghìn máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác. Từ sự phát triển của các loại máy móc đã kéo theo sự thay đổi về hình thức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, chuyển dần từ hình thức tự lập sang liên kết sản xuất.
Sản phẩm nghề rèn của Tiến Lộc hiện không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, được tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và sang tận các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ. Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày. Theo chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, hiện nay, nghề rèn của xã tạo việc làm cho gần 2.500 lao động, thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Để nghề rèn Tiến Lộc phát triển bền vững, bên cạnh việc phát triển kinh tế, UBND xã đã chú trọng đến việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Xem môi trường ở làng nghề là vấn đề cần quan tâm trong quá trình phát triển, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Khắc phục bụi than bằng cách che chắn. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về môi trường. Đối với người dân, luôn chủ động nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đóng góp kinh phí xây dựng, nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp.
Trong năm 2018, tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt hơn 330 tỷ đồng, chiếm hơn 90% cơ cấu kinh tế của xã; thu nhập bình quân đầu người của toàn xã là 36 triệu đồng. Từ nghề rèn đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ. Làng nghề là nơi trung tâm giao thương hàng hóa, nghề rèn Tiến Lộc bao đời nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo nên danh tiếng cho sản phẩm truyền thống.
Nghề rèn Tiến Lộc đứng trước nhiều khó khăn
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, để có thể tồn tại được làng nghề lại là cả một bài toán lâu dài với nhiều vấn đề cần giải quyết.
Khó khăn lớn nhất đối với các làng nghề hiện nay chính là mặt bằng sản xuất chật hẹp, đất chật người đông, làng nghề xen lẫn trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, không có điểm tập kết nguyên vật liệu, giao dịch hàng hóa, thậm chí các hộ thường kinh doanh, sản xuất đơn lẻ, khó tìm kiếm được thị trường đầu ra thích hợp. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, hộ gia đình, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật và công nghệ sản xuất lạc hậu, thô sơ; sản phẩm phần lớn chất lượng chưa cao, mẫu mã đơn giản, thiếu điểm nhấn; cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển còn thấp; các loại hình dịch vụ, thông tin, thị trường, giá cả, tư vấn, kỹ thuật hỗ trợ ngành nghề; hệ thống giao thông còn thiếu, ảnh hưởng đến sự phát triển làng nghề. Ngoài ra, đặc thù của các làng nghề rèn hiện nay vẫn là môi trường tiếng ồn đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đối với vấn đề tiêu thụ, mặc dù đa dạng về sản phẩm nhưng sản phẩm nghề rèn vẫn phải cạnh tranh khốc liệt về thị trường, mẫu mã, giá cả.
Để giải quyết khó khăn cho làng nghề buộc phải mở rộng diện tích và tập hợp, thu hút được nhiều hộ sản xuất lớn vào trong làng nghề. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có ít hộ (60 hộ) vào làng nghề, còn lại hơn 1.000 hộ vẫn sản xuất trong khu dân cư. Nhiều hộ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách đối với nghề, làng nghề, vay vốn không lãi suất hoặc được hưởng các ưu đãi theo dự án, các chính sách thuế và hỗ trợ khác .
Theo UBND xã Tiến Lộc, để duy trì và phát triển làng nghề rèn Tiến Lộc, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục phát triển nghề rèn, cơ khí truyền thống vốn có tại địa phương, giữ vững mũi nhọn trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mới bằng việc mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn, vận động nhân dân thành lập các công ty, doanh nghiệp để hưởng lợi từ các dự án. Tiếp tục mở rộng diện tích làng nghề đã có ở làng Ngọ, quy hoạch các làng nghề ở làng Bùi và làng Sơn để tạo diện tích thu hút các hộ làm nghề tham gia dự án sản xuất tập trung, kích cầu cho phát triển sản xuất lớn và đảm bảo về môi trường. Vận động nhân dân đăng ký quỹ đất để thành lập các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nghề truyền thống. Xây dựng khu chợ Sơn thành trung tâm thương mại bao gồm chợ, các ki-ốt tập trung, các cửa hàng, đại lý để thu hút giao thương. Khuyến khích mở rộng các loại hình dịch vụ, thương mại trên toàn xã, dọc các trục đường chính, trung tâm các làng. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống.