Tiềm năng sản xuất và cung cấp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi.

Tiềm năng sản xuất và cung cấp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ngãi không ngừng phát triển và ngày càng đạt được những thành tựu đáng kể, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những điểm sáng về phục hồi kinh tế ở khu vực miền Trung. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 8,08%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%, công nghiệp – xây dựng tăng 8,32%, khu vực dịch vụ tăng 10,83%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 129.042 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2021, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài dầu tăng 6,7%.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chú trọng phát triển các lợi thế của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn. Tỉnh Quảng Ngãi đa dạng sản phẩm nông nghiệp như hành tỏi Lý Sơn, nếp ngự Sa Huỳnh, muối Sa Huỳnh, nước mắm, quế Trà Bồng, buởi da xanh, mật ong, dưa hấu.

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, áp dụng tại địa bàn 7 địa phương, gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Lý Sơn, Sơn Hà, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ. Mục tiêu của chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở khu vực này đạt mức tăng trưởng 9 – 11% mỗi năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế; phát triển sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi.

Trong khi đó, sau 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương. Trong số các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh, bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: Nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 – 4 sao theo tiêu chí OCOP như nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, mạch nha, tỏi đen, bánh tráng, nước mắm. Nông sản đặc trưng, chủ lực, cốt lõi của các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt tiêu chí của OCOP được người tiêu dùng biết đến. Cơ hội phát triển thị trường, gắn với chất lượng, thương hiệu cùng chuỗi tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng.

Sản phẩm nông nghiệp của các huyện miền núi Quảng Ngãi được nhiều người ưa chuộng

Việc hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống mạng lưới thương mại trong tỉnh và xuất khẩu theo đường chính ngạch là một mục tiêu lớn đối với Quảng Ngãi. Sản phẩm nông sản của Quảng Ngãi hiện có xuất khẩu, nhưng hầu như chỉ theo con đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, việc tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu được xác định là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thông tin chi tiết xem file đính kèm.

© Tuyên bố bản quyền