Tiềm năng sản xuất và cung cấp các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum.
Kon Tum là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp, với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cà phê, rau hoa củ quả, thủy sản xứ lạnh và các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và các loại dược liệu quý hiếm khác.
Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tích cực triển khai, xúc tiến các hoạt động quan trọng trong việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các hợp tác xã tập trung xây dựng nhãn hiệu, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã đăng ký bảo hộ thành công 2 chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà và nhiều nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm như cà phê xứ lạnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum; ngũ vị tử Kon Tum, dệt thổ cẩm Kon Tum, gạo thơm Đăk Hà và yến sào Kon Tum.
Sản phẩm cà phê Đắk Hà – Kon Tum
Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP, với nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mở rộng sản xuất, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản của các địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó có nhiều sản phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu như sản phẩm cà phê rang xay Dakmark đạt chứng nhận OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia của Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng; các sản phẩm cà phê đặc biệt, cà phê sữa thượng hạng, cà phê sầu riêng của HTX Thương mại và dịch vụ Sáu Nhung với tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp mang địa danh của tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn các mặt hàng nông sản của Kon Tum chưa có được thương hiệu lớn; các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu; chỉ có một số sản phẩm chế biến thô, rồi vận chuyển về các tỉnh, thành phố đặt trụ sở chính để dán nhãn, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của Kon Tum chủ yếu có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên khó cạnh tranh. Mặt khác, nhận thức của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, nên số lượng sản phẩm đăng ký cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn ít; chưa có chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu lâu dài.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa là rất quan trọng, giúp sản phẩm tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng; góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa thì sự chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất đóng vai trò quan trọng, bên cạnh đó cũng cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền và các ngành có liên quan.