Nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An đã được doanh nghiệp gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Trong những năm qua, với địa hình và tiểu vùng khí hậu khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, Nghệ An được biết đến với những sản vật địa phương phong phú, giàu bản sắc vùng miền.

Tính đến thời điểm đầu tháng 8/2018, toàn tỉnh Nghệ An đã có 29 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng được dán tem truy xuất nguồn gốc và đã có 883 đối tượng là mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau khi đăng ký, dán tem truy xuất nguồn gốc và được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đã nhanh chóng được ưa chuộng trên thị trường như Cam Vinh, tương Nam Đàn; nước mắm Vạn Phần; rau, củ quả Con Cuông; gà Thanh Chương; nước mắm thủy sản Nghệ An; cá thu nướng Cửa Lò; gà Thanh Chương; tôm nõn Diễn Châu; rượu cam Con Cuông; ổi, bơ, dứa, thanh long, táo, đậu xanh, tỏi, cà phê và hạt tiêu của huyện Nghĩa Đàn.

Việc sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp để các địa phương, doanh nghiệp phải đầu tư đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, tạo đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An, tới đây sẽ có khoảng 10 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn, trong đó có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.

– Cam Vinh

“Cam Vinh” vốn là tên gọi dân gian để chỉ cam có xuất xứ từ vùng Phủ Quỳ Nghệ An những năm 1960, 1970. Đặc trưng của cam Vinh thể hiện ở vị ngọt thanh, dịu, hương thơm, đẹp. Hương vị là sự kết tinh của 3 nhân tố thiên, địa và nhân trên quê hương Nghệ An.

Năm 2007, cam Vinh – đặc sản đầu tiên của Nghệ An được dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng tầm thương hiệu cam Vinh và trở thành tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ trên toàn quốc. Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh bao gồm: xã Nghi Diên, Nghi Hoa thuộc huyện Nghi Lộc; xã Hưng Trung thuộc huyện Hưng Nguyên; xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn thuộc huyện Nghĩa Đàn; xã Minh Hợp thuộc huyện Quỳ Hợp; xã Tân An, Tân Long, Tân Phú thuộc huyện Tân Kỳ. Về giống cam Vinh bao gồm: cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Sông Con.

Năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 ha, nhưng trên thực tế, hiện đã có hơn 6.400 ha với nhiều địa bàn, giống cam và rải vụ. Nghệ An quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha với sản lượng 87 nghìn tấn/năm. Nhiều diện tích cam đã được tổ chức trồng, chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Kể từ sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Vinh đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến, giá cam cũng tăng mạnh. Từ bốn nghìn đồng/kg, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Vinh đã tăng lên 30 nghìn đồng/kg; đến nay là 40 đến 60 nghìn đồng/kg và có thời điểm còn cao hơn. Hiện, nhiều hộ, nhiều vùng miền núi Nghệ An đã khá lên nhờ trồng cam.

Kể từ tháng 11/2017, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Hội cam Vinh chính thức in và dán tem truy xuất điện tử nguồn gốc cam Vinh cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Việc in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoặc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện. Hàng năm, trước kỳ thu hoạch cam 01 tháng, các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng địa lý trên cơ sở diện tích canh tác, năng suất dự kiến để đăng ký cấp mã truy xuất nguồn gốc và số lượng tem truy xuất nguồn gốc sử dụng trong năm với Chi cục Đo lường chất lượng.

Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và tiêu thụ cam, tuy nhiên, việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ. Việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu chưa được tổ chức bài bản, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cùng đó, việc dán tem nhãn mác hàng hóa chưa được người dân quan tâm, chưa có những doanh nghiệp mạnh cùng người trồng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người trồng cam còn manh mún; chưa quan tâm đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động. Hàng năm số lượng cam bán ra thị trường được dán nhãn mác Cam Vinh chưa đáng kể. Người sản xuất cam chưa mặn mà với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Tình trạng giả Cam Vinh trên thị trường còn xảy ra, nhưng chưa được xử lý.

Hiện tỉnh Nghệ An đang lên kế hoạch siết chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, trong đó có giống cam. Trong đó ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm tập trung sản xuất giống cam sạch bệnh, giống đầu dòng. Vận động người dân thay các giống cam trôi nổi, không rõ nguồn gốc bằng giống cam bảo đảm chất lượng, có xuất xứ. Có chính sách khuyến khích người dân trồng cam theo công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho người trồng cam, cũng như kiên quyết không trồng ở những diện tích đất không nằm trong quy hoạch. Cùng với đó, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất cam, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm phát triển cây cam một cách bền vững.

– Hương trầm Quỳ Châu

Hương trầm Quỳ Châu nổi tiếng và được lưu truyền từ nhiều năm nay. Là sản phẩm có lịch sử trên 60 năm, hương trầm Quỳ Châu đã trở thành một nghề truyền thống của người dân địa phương. Từ chất lượng sản phẩm mang nét đặc trưng của làng nghề, hương trầm Quỳ Châu đã được tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận thương hiệu sản phẩm. Việc hương trầm Quỳ Châu được cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu tập thể là tín hiệu vui và là cơ hội phát triển cho nghề truyền thống này, nhằm tạo thêm thu nhập ổn định cho người làm nghề trong suốt cả năm, đa dạng thêm chủng loại hàng hóa, đưa sản phẩm hương của Quỳ Châu đến với thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1 Hợp tác xã và 7 làng nghề sản xuất hương trầm thuộc 5 xã thị trấn. Riêng thị trấn Tân Lạc có 1 hợp tác xã và 1 làng nghề với hơn 100 hộ tham gia.

Nguyên liệu làm hương trầm bao gồm các vật liệu chính là bã mía, rễ hương, hoa hồi. Tuỳ mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng trong việc chia tỷ lệ hay cho thêm một số chất phụ gia để hương thơm hơn. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung mà những người làm nghề ở làng nghề hương trầm Quỳ Châu đều tuân thủ đó là không thêm những chất hoá học trong quá trình làm hương.

Hiện nay hương trầm Quỳ Châu không chỉ được bán rộng rãi trong thị trường cả nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ và các nước Châu Á để phục vụ bà con kiều bào xa Tổ quốc. Với sự phát triển đi lên của làng nghề, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Để nhãn hiệu hương trầm Quỳ Châu bước ra thị trường còn cần sự nỗ lực, cố gắng của bà con làm nghề cũng như chính quyền chức năng trong sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm hương trầm như hương thẻ, hương vòng và hương nụ.

– Tôm nõn Diễn Châu

Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống của ngư dân hai xã Diễn Bích và Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Từ xác định xây dựng cho được thương hiệu đặc sản tôm nõn của huyện, năm 2016, Hội sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu được thành lập với 30 thành viên. Các cơ sở sau khi sản xuất sẽ có người đứng ra thu mua đóng gói và tiêu thụ. Qua 1 năm thành lập Hội, sản lượng tôm nõn được xuất ra thị trường đã tăng từ 20 tấn/năm lên 30 tấn/năm, doanh thu 230 tỷ đồng. Tuy nhiên việc chưa có nhãn mác, bao bì phù hợp nên sản phẩm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc xây dựng cho được nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu luôn được 99 hộ làm nghề cùng các cấp chính quyền nỗ lực đầu tư, hoàn thiện.

Đến tháng 10/2017, các hộ sản xuất kinh doanh tôm nõn Diễn Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”, kèm theo quy chế hoạt động cụ thể.

Cùng với tôm nõn, nước mắm Vạn Phần ở Diễn Châu cũng được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ, tương Sa Nam (Nam Đàn) là sản phẩm vừa được các cơ quan chức năng công nhận hồ sơ đủ điều kiện được dán tem truy xuất nguồn gốc và đang được xem xét cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An đã được doanh nghiệp gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Với một tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sản là sản phẩm chủ lực như Nghệ An, thì các hình thức đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo quyền sử dụng của cả cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Tuy nhiên, phát triển quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị nông sản không thể một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải kiên trì cả một quá trình: cần có sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp, từ đó tạo được chuỗi liên kết bền vững để các vùng sản xuất nông sản của tỉnh phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

© Tuyên bố bản quyền