Quảng Bình: Ứng dụng công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm từ cây dược liệu
Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm như cao cà gai leo, trà túi lọc gai leo, cao lạc tiên.
Chuyển đổi cây dược liệu hiệu quả trên vùng đất gò đồi Quảng Bình.
Quảng Bình là địa phương có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng.
Qua kết quả thực tế từ những mô hình trồng cây dược liệu ban đầu tại tỉnh Quảng Bình cho thấy, dược liệu là cây trồng phù hợp với vùng đất gò đồi, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, việc trồng và chăm sóc đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh. Chính vì vậy, Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng.
Với lợi thế vùng gò đồi rộng lớn, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch đã có chính sách đưa cây dược liệu vào danh mục cây trồng ưu tiên hỗ trợ phát triển nhằm mở ra tiềm năng, cơ hội cho người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu từ loại cây trồng này.
Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác, cao gấp từ 4-6 lần so với cây ngô và gấp 1-2 lần so với cây keo. Và thực tế cho thấy, thu nhập từ cây dược liệu của người dân trong tỉnh Quảng Bình đạt 250 triệu đồng/ha/năm, trừ các chi phí, người dân thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha/năm.
Như vậy, kết quả thực tế từ mô hình trồng dược liệu ban đầu đã mở ra tiềm năng, cơ hội cho người dân tỉnh Quảng Bình nói chung, người dân trong huyện Bố Trạch nói riêng nâng cao thu nhập, làm giàu khi nhân rộng, phát triển trên đất gò đồi.
Đa dạng hóa sản phẩm từ cây dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát triển cây dược liệu, như: cà gai leo, lá vằng, đinh lăng, lạc tiên, kim tiền thảo đang là hướng đi giúp người dân tỉnh Quảng Bình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để vươn lên làm giàu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ chế biến để sản xuất các sản phẩm chất lượng, như: cao cà gai leo, trà túi lọc cà gai leo, cao lá vằng, nhờ đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm và tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Cao cà gai leo Thanh Bình được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc.
Sản phẩm thô từ cây cà gai leo cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo về dược tính và chất lượng cao nhất. Nhờ vậy, sản phẩm cà gai leo của tỉnh Quảng Bình ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Trong những năm 2015-2017, người dân trồng cây cà gai leo chỉ bán nguyên liệu cà gai leo thô, giá bán sản phẩm thô là từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy quỹ đất và nguồn nhân lực địa phương dồi dào, để hỗ trợ bà con nông dân địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm đã được thành lập từ tháng 9/2018. Sau khi được thành lập, HTX đã cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm cà gai leo khô cho bà con xã viên và trực tiếp chế biến cao cà gai leo. Toàn bộ giống, quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch cây cà gai leo được HTX giám sát cẩn thận, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Sau khi thu hoạch, sơ chế nguyên liệu cà gai leo thô, cứ sau 3 ngày HTX sản xuất ra một mẻ cao cà gai leo, xuất thành phẩm đóng gói từ 150 đến 200 hộp thủy tinh/đợt, giá thành bán lẻ là 235.000 đồng/hộp (trọng lượng 100 gr).
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm đã đầu tư trang thiết bị để sản xuất cao cà gai leo, phấn đấu xuất thành phẩm cao cà gai leo khoảng 500 hộp/đợt. Đồng thời, HTX cũng đã đăng ký công bố chất lượng sản phẩm với thương hiệu cà gai leo Thanh Bình. Sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình của HTX được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hiện thị trường tiêu thụ cao cà gai leo của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nội, Điện Biên, khu vực Tây Nguyên. Giá trị kinh tế của cao cà gai leo được nâng cao gấp từ 15-20 lần so với việc bán nguyên liệu khô. Ngoài các sản phẩm hiện có là cao cà gai leo, cao chè vằng, cao lạc tiên, HTX sẽ nghiên cứu, chế xuất và phát triển ra thị trường các sản phẩm tiện ích và tốt cho sức khỏe con người, như cà gai leo dạng viên nang, viên nén, trà hòa tan, tinh dầu sả chanh, sản phẩm cao cấp đối với quả cà gai leo.
Xuất phát từ nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu của người tiêu dùng, cùng với tiềm năng về nguồn nguyên liệu sẵn có, ngoài HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm tinh chế như trà túi lọc cà gai leo để gia tăng giá trị cho cây dược liệu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết chuỗi với các HTX và hộ dân để bao tiêu sản phẩm; đồng thời, xây dựng cơ sở chế biến để cung cấp sản phẩm dược liệu cho thị trường. Nhờ đó đã từng bước đa dạng các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu. Ngoài các sản phẩm của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm, còn có các sản phẩm: cao cà gai leo, cao lạc tiên, cao kim tiền thảo của Chi nhánh Công ty TNHH Sơn Trung Du; trà túi lọc cà gai leo của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình. Ngoài ra, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm cũng đang thử nghiệm chế biến các sản phẩm như kẹo sâm, nước giải khát, rượu sâm, sâm khô, hứa hẹn đa dạng sản phẩm chế biến từ cây sâm Bố Chính.