Bình Dương phát triển và định hình thương hiệu nông sản nhằm tăng cường giá trị.

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là quy mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn quả, nông sản theo quy trình công nghệ cao. Thông qua thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, Bình Dương mong muốn tìm được thị trường tiêu thụ ổn định làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, Bình Dương đã từng bước tạo thương hiệu, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị. Kết quả, trong năm 2021, tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP trong đợt 1, trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Bình Dương

Măng cụt Lái Thiêu

Nếu sầu riêng là loại trái cây đặc trưng của Nam Bộ thì măng cụt ở vườn Lái Thiêu lại là quả ngọt trái lành đất Bình Dương nói chung và thị xã Thuận An nói riêng. Hàng trăm năm qua, địa danh vườn cây Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã nức tiếng khắp Nam Bộ về một vùng miệt vườn ăn trái sum suê bên dòng sông Sài Gòn. Toàn thị xã hiện có 1.255,9 ha trồng trái cây, trong đó có 661 ha dành cho trồng măng cụt, diện tích cho thu hoạch là 630 ha, trồng nhiều nhất tại phường Lái Thiêu, xã An Sơn.

Măng cụt là trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh trong danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam vào tháng 8/2012. Năm 2013, măng cụt Lái Thiêu tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể.

Sản phẩm măng cụt Lái Thiêu tỉnh Bình Dương

Với địa thế được thiên nhiên ưu đãi và nằm trải dài bên sông Sài Gòn, quanh năm được phù sa bồi đắp nên rất thuận lợi để phát triển các vườn cây ăn quả. Măng cụt Lái Thiêu da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ, màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt. Măng cụt nơi đây, theo những người làm nghề lâu năm, dễ phân biệt với măng cụt của nơi khác, đó là cuống ngắn, trái không tròn đều, màu sắc không bắt mắt nhưng vỏ mỏng hơn và có vị ngọt thanh khi ăn.

Măng cụt không ra hoa thành từng chùm mà mỗi cành chỉ có một hoa, đậu một trái. Tháng 11-12 âm lịch, cây bắt đầu ra hoa, thời gian từ khi có quả non đến lúc thu hoạch khoảng 5 tháng. Mùa thu hoạch bắt đầu từ 5/5 âm lịch, kéo dài khoảng 3 tháng. Măng cụt được trồng ở vườn Lái Thiêu có vị ngọt thanh pha lẫn chút vị chua dịu, thịt quả mềm, mịn.

Ngoài ăn tươi thì măng cụt còn dùng để chế biến thành sinh tố, kem. Bên cạnh đó, măng cụt còn được dùng để chế biến một số món ăn hấp dẫn, trong đó có món gỏi tôm thịt, gỏi gà măng cụt được chế biến rất công phu với vị chua nhẹ, thơm giòn của những trái măng cụt vừa chín điểm.

Cam Bắc Tân Uyên

Cam sành đang trở thành cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế tại tỉnh Bình Dương. Loại cây có múi này được nhân rộng cách đây vài năm, bên cạnh các giống bưởi da xanh, chanh không hạt.

Diện tích canh tác cam sành hiện khoảng 10.000 ha, cho sản lượng 400.000 tấn mỗi năm. Cây trồng chủ yếu tại các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm… của huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2017, “Cam Bắc Tân Uyên” đã đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

Các nhà vườn Bắc Tân Uyên chủ yếu nhân giống cam vô tính bằng phương pháp ghép gốc. Cây sinh trưởng tốt trên nền đất đồi, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của huyện. Với những vườn diện tích lớn, nông dân đầu tư lưới chăng nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào, đảm bảo mẫu mã cam đẹp, không nám hay khô nước.

Bình Dương phát triển và định hình thương hiệu nông sản nhằm tăng cường giá trị.

Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, huyện Bắc Tân Uyên đã và đang khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như: Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP; dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi; dự án hỗ trợ trồng trọt thực hiện VietGAP trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên… Thông qua các dự án này, tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nhiều vườn cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên phát triển tốt, tăng nhanh về diện tích.

Bưởi Bắc Tân Uyên

Bưởi da xanh trong huyện tập trung chủ yếu ở các xã Tân Định, Lạc An và Hiếu Liêm. Tổng diện tích trồng bưởi khoảng 1.300 ha, riêng xã Hiếu Liêm có đến 800 ha, có hộ trồng đến 100 ha. Đất vùng Bắc Tân Uyên khá thích hợp cho cây bưởi, đất có tầng canh tác dày, độ phì cao, thoát nước tốt. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tốt, nên mỗi vụ thu lợi nhuận 200 – 300 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay người dân chủ yếu sử dụng giống bưởi ghép do Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cung cấp, kết hợp một số nhà vườn tự nhân giống, nên diện tích trồng bưởi da xanh được tăng lên khá nhanh.

Sau khi nghiên cứu, nhóm chuyển giao kỹ thuật nhận thấy đủ các điều kiện cơ bản để thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. Các tiêu chí bị vi phạm phần lớn là do nhận thức và điều kiện cơ sở vật chất bị hạn chế. Vì vậy, trong quá trình xây dựng mô hình đồng thời là đào tạo cả lý thuyết và thực hành để nâng cao kiến thức cho các nhà vườn thì có thể đạt được mục tiêu đặt ra.

Sản phẩm bưởi bắc Tân Uyên tỉnh Bình Dương

Huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi; hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi gắn với bảo vệ môi trường, nâng giá trị cây ăn trái có múi canh tác đạt bình quân một tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện dự án “xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể bưởi Bắc Tân Uyên”. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể bưởi Bắc Tân Uyên cho địa phương.

Huyện Bắc Tân Uyên cũng xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có múi; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại; tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển, lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện.

© Tuyên bố bản quyền