Huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh phát triển sản phẩm cam bền vững.
Cam bù là một trong những đặc sản của vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh. Giống cam này đã được trồng ở Hà Tĩnh từ những năm 1972, trải qua thời gian phát triển, cam bù đã dần trở thành nông sản thế mạnh của địa phương, được trồng ở nhiều nơi tại huyện Hương Sơn và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Giới thiệu về sản phẩm
Hương Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, tuy có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên nhưng huyện đã luôn nỗ lực đưa nền nông nghiệp từng bước chuyển mình và đạt nhiều kết quả tích cực. Những sản phẩm tiêu biểu của huyện có thể kể đến như cam bù, nhung hươu, cu đơ, mật ong. Trong số đó, cam bù được đánh giá là nông sản đặc trưng của huyện, cũng là một trong 50 loại trái cây nổi tiếng nhất cả nước.
Chính quyền địa phương cho biết, cam bù lần đầu tiên được trồng tại vùng núi Kim Nhan, bởi hợp tác xã Thạch Sơn. Đến năm 2019, huyện Hương Sơn đã có 200 hộ dân tham gia sản xuất cam bù, với 39 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã và 4 trang trại sản xuất, trồng chủ yếu tại các xã như Sơn Trường, Sơn Thủy, Sơn Bằng, Sơn Mai. Đến năm 2023, tổng diện tích cam bù đã đạt hơn 1.000 ha và toàn bộ đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho người sử dụng; sản lượng cam bù trong năm đạt khoảng 9.300 tấn, năng suất 152 tạ/ha, giá trị vào khoảng 300 tỷ đồng. Xã Sơn Trường là nơi trồng nhiều cam bù nhất huyện, với diện tích đạt hơn 400 ha, 700 hộ dân tham gia trồng cam, với năng suất mỗi năm đạt khoảng 5.000 tấn.
Cam bù Hương Sơn có hình cầu, vỏ bóng mịn; khi chín cam có màu vàng tươi, vị ngọt thanh, múi cam mọng nước. Mỗi quả nặng trung bình 0,3kg – 0,5kg. Người dân thường chọn thời điểm đầu tháng 2 hoặc tháng 9 để trồng cam, mỗi cây cam cho thu hoạch sau 4 năm trồng. Tùy vào cây, sản lượng đạt từ 100 – 200 quả. Hàng năm, cứ đến tháng 12 âm lịch là mùa thu hoạch cam phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Cam bù không chỉ ngon mà còn có nhiều công dụng với sức khỏe con người, cũng là loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả mỗi dịp tết đến xuân về.
Trong những năm qua, việc trồng cam bù theo tiêu chuẩn hữu cơ đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Trung bình, mỗi ha thu hoạch mang về 70 – 100 triệu đồng cho người dân, góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cam bù Hương Sơn, Hà Tĩnh
Hướng phát triển sản phẩm cam bù Hương Sơn
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh, nhưng cam bù Hương Sơn vẫn phải đối mặt với tình trạng đầu ra tiêu thụ không ổn định. Do đó, để tiếp tục phát triển cây cam bù theo hướng bền vững và tăng đầu ra trên thị trường, huyện sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
+ Một là: mở rộng diện tích trồng cam tại các xã trên địa bàn theo hướng VietGAP, đảm bảo các khâu từ chăm sóc, bảo vệ đến thu hoạch phải đạt tiêu chuẩn đề ra. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho người dân, giúp các hộ sản xuất tiếp cận với công nghệ và quy trình mới hiệu quả.
+ Hai là: Các hợp tác xã, tổ hợp tác gửi mẫu kiểm tra sản phẩm chính thức cho các doanh nghiệp, nhà phân phối để sớm đưa hàng vào các siêu thị lớn, các chuỗi thực phẩm sạch nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm trên thị trường.
+ Ba là: Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường, tận dụng ưu thế của các sàn thương mại điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Ngày nay, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử đang được chính quyền và người dân quan tâm, bởi đây là một giải pháp tiềm năng giúp mở rộng đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm.
Đình Thuận