Nâng cao giá trị, phát triển và bảo vệ thương hiệu Măng cầu B Đen, Tây Ninh.
Địa hình và thổ nhưỡng đặc biệt kết hợp với mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho ra quả Mãng cầu với chất lượng cao. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận thương hiệu Mãng cầu Bà Đen. Trong thời gian tới, việc tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, qua đó nâng cao giá trị và bảo vệ thương hiệu Mãng cầu Bà Đen là rất cần thiết.
Lợi thế của Mãng Cầu Bà Đen
Tháng 8/2011, Cục sở hữu trí tuệ Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận thương hiệu Mãng cầu Bà Đen. Từ đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chủ trương cho xây dựng mô hình sản xuất Mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiến tới xuất khẩu. Tổng diện tích trồng Mãng cầu ở khu vực núi Bà Đen là khoảng 5.000 ha và được quy hoạch thành vùng chuyên canh ở các xã ven chân núi. Việc hình thành các vùng chuyên canh vừa giúp phát triển nghề trồng Mãng cầu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vừa góp phần giải quyết được bài toán công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương.
Từ đó đến nay, hàng năm, địa phương đã xuất ra thị trường khoảng 40.000 – 50.000 tấn Mãng cầu, chiếm trên 40% sản lượng Mãng cầu toàn quốc. Tỉnh Tây Ninh từ đó đã và đang định hướng phát triển thương hiệu Mãng cầu Bà Đen theo chuẩn hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập ổn định cho nông dân. Theo đó, tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp giấy chứng nhận cho những nông dân đăng ký theo học lớp trồng Mãng cầu sạch.
Hiện nay, đặc sản Mãng cầu Bà Đen của Tây Ninh được tiêu thụ tại các chợ và siêu thị lớn như hệ thống ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu sang các nước Campuchia, Malaysia, Canada, Pháp.
Thu hoạch Mãng cầu, Bà Đen
Khó khăn trong khâu đầu ra của Mãng cầu Bà Đen
Có được sản phẩm chất lượng, nhưng thị trường vẫn là bài toán khó với Mãng cầu Bà Đen. Vẫn là bài toán được mùa mất giá, phụ thuộc nhiều vào thương lái, hệ thống bán vẫn còn manh mún. Mặc dù cũng đã có một số hộ liên kết và xây dựng thương hiệu theo chuỗi và liên kết với các hệ thống siêu thị lớn như Coopmart, Aeon hay doanh nghiệp để xuất khẩu, tuy nhiên việc liên kết này chưa được nhân rộng.
Mặt khác, mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo. Các chương trình xúc tiến thương mại còn chưa hiệu quả.
Giá trị thương hiệu của Mãng cầu Bà Đen đã bị ảnh hưởng khi vẫn còn tình trạng nhái nhãn hiệu, tem VietGAP hay trà trộn Mãng cầu của các thương lái.
Giải pháp cho việc nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của Mãng cầu Bà Đen một cách bền vững
Nâng cao chất Mãng cầu Bà Đen, lợi thế từ sản xuất: Hiện nay, Mãng cầu Bà Đen đã có quy hoạch chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, điều này đã tạo ra một sản phẩm chất lượng Mãng cầu rất cao. Mãng cầu Bà Đen cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận thương hiệu Mãng cầu Bà Đen. Đây là một lợi thế rất lớn về chất lượng đối với sản xuất Mãng cầu Bà Đen. Tuy nhiên để duy trì chất lượng VietGAP cần phải thường xuyên giám sát các quy trình này một cách chặt chẽ.
Chất lượng Mãng cầu Bà Đen được nâng cao
Một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ và nâng cao chất lượng:
Mãng cầu Bà Đen cho chất lượng tốt theo quy chuẩn VietGAP, có chứng nhận thương hiệu và chỉ dẫn địa lý là một lợi thế cho việc tiêu thụ sản phẩm bền vững. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng bán Mãng cầu non hay bán Mãng cầu cho thương lái vẫn diễn ra mỗi vụ. Do vậy để khắc phục tình trạng này từ người trồng cần liên kết với các chuỗi siêu thị hoặc doanh nghiệp uy tín để có đầu ra bền vững và ổn định hơn là bán cho thương lái.
Việc nhiều nơi bán Mãng cầu nhái thương hiệu Bà Đen, tem VietGAP cũng ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Cần có những giải pháp công nghệ như quét mã vạch qua các ứng dụng di động hay SMS để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của sản phẩm chính hiệu Mãng cầu Bà Đen.
Bên cạnh đó việc tham gia vào các hội chợ lớn trong và ngoài nước cũng là cách quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Mãng cầu Bà Đen.
Đối với kênh xuất khẩu thì cần có sự giám sát chặt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tránh việc những doanh nghiệp nhỏ vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng tới một thương hiệu tốt.
Định hướng cho Mãng cầu Bà Đen trong thời gian tới:
Tiếp tục mở rộng diện tích với tiêu chuẩn VietGAP cho khâu sản xuất Mãng cầu, hỗ trợ người trồng thường xuyên hơn trong công tác chuyên canh Mãng cầu. Định hướng tới tiêu chuẩn cao hơn VietGAP là Organic thì cần phải thí điểm rồi sau đó có kết quả tốt thì nhân rộng theo lộ trình và cần được giám sát chặt chẽ.
Vì Mãng cầu Bà Đen sản lượng có hạn nên cần phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó đưa Mãng cầu Bà Đen thành một sản phẩm quý. Khi Mãng cầu Bà Đen đã có được sự cố gắng từ người trồng và địa phương, thì việc bảo vệ thương hiệu cần được thực hiện ở mọi khâu từ sản xuất đến khi tới tay người tiêu dùng. Việc này cần đồng bộ từ người trồng tới người chế biến và bán sản phẩm cho tới công tác kiểm tra giám sát.