Phát triển làng nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương trong quá trình hội nhập.
Dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề sơn mài với sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu. Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) mang đậm bản sắc dân tộc với những bức tranh sơn mài nghệ thuật nổi tiếng, đang dần khởi sắc với sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Cuối thế kỷ XVIII, theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn mài từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa đã mang theo nghề sơn vào xứ Đồng Nai, Gia Định, trong đó có Tương Bình Hiệp. Làng nghề Tương Bình Hiệp dần phát triển, mang đậm nét văn hóa làng nghề thủ công truyền thống. Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các nghệ nhân đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện các tác phẩm sơn mài nghệ thuật nổi tiếng.
Mỗi sản phẩm sơn mài Bình Dương đều được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi nghệ thuật riêng tỉ mỉ và công phu. Một quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Sau nhiều năm biến đổi, ngành sơn mài ổn định và phát triển. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, bên cạnh đó là hàng loạt mẫu mã hiện đại, phù hợp với yêu cầu cơ chế thị hiếu mới. Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, mang đậm tính cách Á đông.
Tranh sơn mài – cá chép vượt vũ môn hóa rồng
Các cơ sở làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế. Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp.
Sơn mài truyền thống gồm nhiều thể loại như: Sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc. Sơn truyền thống dùng ở Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước. Khi đã có nguyên liệu sơn, tùy theo loại sản phẩm mà cốt được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như: Gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm thường có kiểu dáng nhẹ, mỏng. Sau công đoạn phất vải, người thợ phải qua 5 công đoạn sơn: Sơn bó, sơn hom, sơn lót, sơn quang thí, sơn quang và sau mỗi lớp sơn đã khô đều phải đem ra mài nước. Với những quy trình sản xuất như thế mới có được một bức tranh sơn mài.
Bảo tồn và hội nhập làng nghề sơn mài cần thực hiện hiệu quả quy hoạch.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề sơn mài với sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu. Nghề sơn mài Bình Dương trở thành thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong những năm qua, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Với sự đa dạng của thị trường sơn mài áp dụng kỹ thuật mới, sơn mài truyền thống làm từ chất liệu sơn ta đang thiếu vắng dần. Sự phát triển của khoa học-công nghệ giúp rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhiều lần, có thể tạo ra sản phẩm hàng loạt mà chất lượng không thua kém gì sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng về mặt bảo tồn, việc phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố khoa học – công nghệ khiến một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó có sơn mài, mất đi bản sắc văn hóa vốn có, làm cho sản phẩm khi đưa ra thị trường sẽ mất đi sắc thái riêng của sơn mài.
Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề truyền thống hầu hết thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động riêng lẻ. Khó khăn lớn nhất trong việc duy trì sản xuất và phát triển là vấn đề về vốn và tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm. Do đó, làng nghề sơn mài rất cần những chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm làng nghề truyền thống.
Một số công ty hiện nay cũng tận dụng mọi kênh thông tin để tìm kiếm khách hàng, website công ty chạy bằng hai thứ tiếng Việt và Anh để nhiều khách hàng trong và ngoài nước có thể đọc và biết đến. Bên cạnh đó, các công ty còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm của mình.
UBND tỉnh Bình Dương cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nhiều đề án trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với sự phát triển đô thị, kinh tế, du lịch của địa phương. Các dự án này đã và đang trong giai đoạn triển khai.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh, dự kiến lượng khách du lịch đến Bình Dương tới năm 2020 sẽ đạt 6,8 triệu lượt người; du lịch sẽ là ngành mũi nhọn giúp khôi phục lại các làng nghề truyền thống tại Bình Dương. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Bình Dương sẽ đa dạng hơn khi các khu du lịch dự kiến sẽ hình thành và làm mới tại lòng hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, khu vực hồ Cần Nôm; du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé. Khi các khu du lịch này đi vào hoạt động thì đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đó có sơn mài sẽ được cải thiện.
Các cơ quan chức năng cần xây dựng chương trình tham quan tour du lịch làng nghề một cách tập trung và đồng nhất, bằng cách cho khách tham quan một lúc nhiều làng nghề, không nên chia riêng rẽ ra từng làng nghề một. Thực hiện được điều này mới giúp du khách tiếp cận với sản phẩm của làng nghề truyền thống một cách lâu bền hơn.
Cơ quan chức năng nên phát triển các làng nghề sơn mài theo hai hướng. Một hướng sản xuất phục vụ số đông khách hàng với các sản phẩm chất lượng theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng loạt vừa túi tiền khách du lịch. Hướng khác là bảo tồn, quy tụ nghệ nhân có trình độ cao, dày dạn kinh nghiệm sáng tác theo hướng nâng cao chất lượng mỹ thuật, giữ gìn những thứ tinh túy của làng nghề. Hài hòa hai hướng sản xuất, sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ này là cách vừa bảo đảm phát triển làng nghề vừa bảo tồn giá trị văn hóa.
Hiện nay làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp chỉ có trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô, còn lại sản xuất theo hộ gia đình. Mấy năm gần đây xu hướng khách nội tìm đến sản phẩm sơn mài khá nhiều nên đầu ra tương đối ổn định. Sản phẩm sơn mài chủ yếu được bán trong nước, các thương lái đến Tương Bình Hiệp đặt hàng và cung cấp lại cho các khu du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An. Đầu ra cho sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm tại một số tỉnh, thành có nhiều khách du lịch.
Đối với thị trường nước ngoài, từ năm 2015 trở về trước, sơn mài Bình Dương xuất khẩu ra các nước như Nga, Mỹ, Pháp. Thời gian gần đây, kinh tế các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn, hàng sơn mài xuất khẩu sang các nước này giảm sút. Để thích ứng, một số công ty đang tập trung quảng bá sản phẩm tại các thị trường như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.
Mặc dù gặp không ít khó khăn tại các thị trường quốc tế nhưng lượng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng hàng năm, cho thấy đây vẫn là một ngành có khả năng phát triển mạnh. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thể ngành gỗ Việt Nam chiếm con số rất thấp so với thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam muốn vực dậy và phát triển các làng nghề truyền thống phải không ngừng đổi mới mẫu mã, đồng thời cần có những bước chuyển mình phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ sơn mài và các lâm sản ngoài gỗ mà Việt Nam có lợi thế trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế.