Mở rộng diện tích trồng dưa lưới tại An Giang nhằm phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Sản xuất dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tăng chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích canh tác dưa lưới hướng đến thị trường xuất khẩu.

Dưa lưới có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất cao. Áp dụng mô hình sản xuất trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình VietGAP, người dân có thể sản xuất 4 vụ/năm, năng suất trung bình đạt 3,5 – 4 tấn/vụ/1.000 m², góp phần thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang năm 2020” đạt hiệu quả cao.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở An Giang

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao tại An Giang không chỉ đạt kết quả khả quan về kinh tế mà còn trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách, điển hình là vườn dưa lưới Giving’s Farm (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) hay du lịch trải nghiệm đối với các sản phẩm nông sản khác như du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên). Các mô hình du lịch trải nghiệm đã giúp đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Thành công từ dự án ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên cũng đã được các địa phương khác áp dụng thành công trong sản xuất dưa lưới, như tại Châu Phú, Phú Tân. Từ những mô hình này sẽ khuyến khích người dân nhân rộng sản xuất, tạo những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất.

Mở rộng diện tích trồng dưa lưới tại An Giang nhằm phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch

Để đảm bảo cung cầu, tỉnh An Giang cần kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích, tránh khi sản lượng quá nhiều sẽ khiến giá dưa lưới trên thị trường giảm, làm giảm giá trị sản phẩm.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã tạo ra kênh tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng bằng cách phát triển các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm nông sản của tỉnh nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối các sản phẩm nông sản để các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh đảm bảo được các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối.

Mục tiêu đến hết năm 2020, An Giang sẽ xây dựng 19 cửa hàng nông sản trên 11 huyện, thị, thành để phục vụ nhu cầu người dân, tạo thuận lợi đưa các sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng, an toàn đến với người tiêu dùng trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.

© Tuyên bố bản quyền