Chanh leo Sơn La được ưa chuộng bởi người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Sơn La phù hợp phát triển cây chanh leo. Để đảm bảo nguồn cung sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La chú trọng xây dựng mã số vùng trồng chanh leo. Ngoài tiêu thụ nội địa, trái chanh leo tỉnh Sơn La được xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chanh leo vàng Mộc Châu (Sơn La)

Từ năm 2015, mô hình trồng chanh leo bắt đầu thí điểm tại tỉnh Sơn La. Cây chanh leo dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, trong vòng 4 tháng đã cho thu hoạch. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy đây là mô hình rất tiềm năng, tỉnh Sơn La đã giao cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai dự án mở rộng vùng nguyên liệu chanh leo với mục tiêu đạt 5.000 ha diện tích đất trồng cây ăn quả này.

Nhờ điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, biên độ nhiệt độ chênh lệch ngày, đêm lớn, đất đai màu mỡ, trái chanh leo trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La cho quả to, khi chín có màu vàng, ruột nhiều, vị thơm và ngọt. Trái chanh leo có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người, nhờ vậy đầu ra khá ổn định, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Chanh leo Sơn La được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, đồng thời ngày càng được mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Trên địa bàn Hà Nội, trái chanh leo tỉnh Sơn La được tiêu thụ ở các siêu thị như: Siêu thị Happy Mart, Siêu thị K&K, Big Green, Công ty Thiên Cảnh và các chợ dân sinh.

Với việc đầu ra tốt, cây chanh leo mở ra nhiều cơ hội vươn lên làm giàu cho người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Cùng với việc đảm bảo quy trình sản xuất, phòng chống sâu bệnh hại thì việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, giữ đầu ra ổn định cho sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa sẽ giúp cây chanh leo phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế tại địa phương.

Chanh leo được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân.

Hiện toàn tỉnh Sơn La trồng trên 750 ha chanh leo, trong đó diện tích cho sản phẩm đạt trên 710 ha, năng suất bình quân đạt 94 tạ/ha, sản lượng trên 67.200 tấn/năm.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, chanh leo được trồng chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Yên, Vân Hồ. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, chanh leo đã và đang dần thay thế cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cây chanh leo theo hướng hàng hóa gắn với việc chế biến, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã phê duyệt Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chanh leo Sơn La” cho sản phẩm quả chanh leo của tỉnh Sơn La”. Kết quả là, năm 2020 nhãn hiệu chứng nhận “Chanh leo Sơn La” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với vùng bảo hộ nhãn hiệu, gồm các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Phù Yên.

Để xây dựng nhãn hiệu “Chanh leo Sơn La” uy tín, người dân cần từng bước ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra ổn định. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các tổ chức, tập thể, gồm: Hợp tác xã A Ca, Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu, Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Mơ, Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa, Hợp tác xã chanh leo Thuận Châu, Hợp tác xã Chanh leo Khu Han. Đơn vị thực hiện Dự án đã bàn giao 100 sổ tay, 4.500 tờ rơi, 60 poster, 6.600 bao bì, 9.900 nhãn mác cho các đơn vị sản xuất chanh leo tham gia Dự án.

Như vậy, tỉnh Sơn La đã lựa chọn được 6 đơn vị Hợp tác xã trên địa bàn để hỗ trợ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các Hợp tác xã, hỗ trợ về hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QR Code, hệ thống tem truy xuất sản phẩm, cũng như hệ thống nhận diện bao bì để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chanh leo Sơn La.

Tỉnh Sơn La chú trọng xây dựng mã số vùng trồng chanh leo.

Ngoài tiêu thụ nội địa, trái chanh leo tỉnh Sơn La được xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới như Trung Quốc, Pháp. Để đảm bảo nguồn cung sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La rất chú trọng đến việc xây dựng mã số vùng trồng chanh leo.

Theo đó, đầu năm 2023, tỉnh Sơn La được cấp 4 mã số vùng trồng, diện tích 66,5 ha cho Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Sam và Hợp tác xã Thành Đạt, xã Chiềng Lương đủ điều kiện xuất khẩu.

Trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn hiện có 30 ha chanh leo. Ngoài ra, Hợp tác xã còn liên kết với các hộ dân tại xã Chiềng Lương và xã Piêng Pằn trồng gần 70 ha chanh leo. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, trái chanh leo của Hợp tác xã cho kết quả khả quan, năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tháng 1/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chấp nhận 3 mã số trồng chanh leo của Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Sam, với diện tích 56,5 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đối với Hợp tác xã Thành Đạt, xã Chiềng Lương, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chấp nhận 01 mã số trồng chanh leo của Hợp tác xã Thành Đạt, với diện tích 10 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần xây dựng và phát triển thương mại Minh Phương tại xã Chiềng Ngần được công nhận 1 cơ sở đóng gói. Đây là điều kiện quan trọng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chanh leo Sơn La ra thị trường thế giới.

Cùng với việc cấp mã số vùng trồng, đảm bảo đủ kiều kiện xuất khẩu, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng chanh leo, đặc biệt là quản lý rệp, ruồi đục, đồng thời tổ chức giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng quy định của thị trường nước ngoài. Nhờ vậy, đầu ra sản phẩm chanh leo tỉnh Sơn La khá thuận lợi, ngày càng có nhiều đơn hàng từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Định hướng phát triển trái chanh leo của tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Chanh leo Sơn La được ưa chuộng bởi người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiềm năng phát triển cây chanh leo còn rất lớn, đặc biệt là mới đây, Mỹ đã cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam, mở ra triển vọng mới cho ngành hàng rau quả cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng. Do đó, tỉnh Sơn La cần tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đồng thời hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói chanh leo.

Nhằm đảm bảo nguồn cung chanh leo dồi dào, có chất lượng, trong Đề án “Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng cây chanh leo đạt 4.260 ha, sản lượng 38.740 tấn; đến năm 2030, diện tích lên tới 5.000 ha, sản lượng 50.000 tấn; diện tích chanh leo phục vụ chế biến và xuất khẩu năm 2025 là 1.500 ha, đến năm 2030 là 2.000 ha.

Để đạt mục tiêu diện tích đất trồng chanh leo như chủ trương đã đề ra, địa phương và doanh nghiệp sẽ cần phối hợp để tìm ra những chính sách thiết thực và giải pháp hiệu quả nhằm tạo hướng đi tích cực cho cây chanh leo tại khu vực này trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh Sơn La cần chú trọng hơn nữa việc triển khai liên kết “bốn nhà” (doanh nghiệp – nhà nước – hợp tác xã, tổ hợp tác – người dân), định hướng mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu chanh leo trên địa bàn tỉnh.

© Tuyên bố bản quyền