Hà Tĩnh: Cần bảo tồn, phát triển và nâng cao thương hiệu cây trồng để vươn xa hơn.

Trong những năm gần đây, việc phát triển cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh là một lợi thế và thực tế các cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là tập trung chú trọng đến chất lượng hơn thay vì mở rộng diện tích.

Phát triển gần 10.000ha cây ăn quả có múi tại Hà Tĩnh.

Những năm 2012 – 2013, phong trào phát triển cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh bắt đầu nở rộ. Kể từ đó, hàng nghìn ha đất đồi núi sản xuất keo, thông thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… được chuyển đổi sang trồng cây cam chanh, nâng tổng diện tích cam toàn tỉnh đến thời điểm này đạt 6.725ha (trong đó, cam chanh 5.533ha, cam bù 1.192ha); các địa phương sản xuất diện tích lớn là Vũ Quang (2.350ha); Hương Sơn (1.473ha); Can Lộc (534ha); Hương Khê (1.812ha)… Tổng diện tích đã cho thu hoạch đạt 4.095ha.

Việc phát triển cây cam trong thời gian vừa qua là hoàn toàn đúng đắn. Cây trồng này đã giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu và con người, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích lên gấp hàng chục lần so với trồng keo, thông. Hiện tổng diện tích cam của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đạt trên 2.350ha; sản lượng bình quân trên 16.000 tấn/năm; giá trị thu về đạt hơn 300 tỷ đồng/năm.

Sắp tới, để đảm bảo phát triển bền vững, huyện Vũ Quang không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung chuyển giao quy trình, kỹ thuật giúp người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quản lý, sản xuất giống cam.

Đầu tháng 9/2018, một số diện tích cam của người dân ở xã Đức Bồng, Hương Thọ, Đức Lĩnh… có hiện tượng rụng quả hàng loạt. Sau khi kiểm tra, ngành chuyên môn xác định nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do tuổi thọ cam già cỗi. Điều đáng nói, tuổi thọ cây ở một số vườn mới đạt 7 – 8 năm, trong khi nếu chọn giống tốt, chăm sóc bài bản thì tuổi thọ cây cam có thể lên đến 15 – 20 năm. Như vậy, có thể khẳng định việc chọn cây giống là yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của cả vườn cam.

Có khoảng 70 ha cam, bưởi Hương Khê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, mang lại thu nhập vài trăm tỷ đồng.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích nên hiện nay, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có khoảng 70 ha cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hiện nay, toàn huyện Hương Khê có hơn 2.100 ha cam và hơn 2.300 ha bưởi Phúc Trạch, mỗi năm mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất, trong thời gian qua, ngành chuyên môn Hương Khê đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích bà con trồng, chăm sóc cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Hương Khê đã có gần 20 ha cam Khe Mây tại xã Hương Đô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn VietGAP đến nay đã có khoảng 50 ha, phân bố tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên…

Mặc dù con số 70 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn khiêm tốn so với diện tích cam, bưởi hiện có của huyện, nhưng đây là kết quả bước đầu hình thành thói quen tốt cho bà con trong đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu, chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Vụ bưởi năm 2018, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được mùa toàn diện, doanh thu ước tính hơn 300 tỷ đồng. Năm 2018, toàn huyện Hương Khê có hơn 2.300ha bưởi đến vụ thu hoạch, tập trung ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy…

Nhờ thời tiết thuận lợi, người trồng thực hiện đúng quy trình chăm sóc nên hầu hết các vườn bưởi đều cho năng suất cao. Ước tính năm 2018, sản lượng bưởi của Hương Khê sẽ đạt trên 12.500 tấn, doanh thu ước đạt hơn 300 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Cần bảo tồn, phát triển và nâng cao thương hiệu cây trồng để vươn xa hơn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, vụ cam năm 2018, diện tích cho thu hoạch trên hơn 2.100ha, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì sản lượng và doanh thu của cam lớn hơn nhiều so với năm 2017.

Ngoài đặc sản bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung phát triển cây bưởi đường; đồng thời, du nhập một số giống bưởi mới về trồng thử nghiệm như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng… Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.187ha bưởi các loại; chủ yếu phát triển ở Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… Diện tích đã cho sản phẩm trên 1.800ha và sản lượng bình quân hơn 17.000 tấn/năm.

Cam Hà Tĩnh được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Cam Bù Hương Sơn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, đưa thương hiệu cam sạch đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mới đây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa phối hợp với Công ty cổ phần Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO tổ chức tổng kết và trao chứng nhận mô hình sản xuất cam bù đạt tiêu chuẩn VietGap cho HTX Cam bù Trường Mai.

Hợp tác xã cam bù Trường Mai (tại 2 xã Sơn Mai và Sơn Trường) được thành lập với sự tham gia của 27 thành viên, sản xuất trên 30 ha cam bù ở thôn 5 (xã Sơn Trường) và thôn Kim Lộc (xã Sơn Mai).

Quá trình sản xuất đã được các phòng chuyên môn của huyện Hương Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và kiểm tra quy trình sản xuất của bà con nông dân từ việc bón phân, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp tốt.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, qua kiểm nghiệm đánh giá của Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO, toàn bộ diện tích cam bù của HTX Trường Mai đã đáp ứng được đầy đủ 4 tiêu chí quy định của quy trình sản xuất VietGap.

Tại lễ tổng kết và trao chứng nhận, đại diện Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đề nghị HTX Trường Mai thường xuyên theo dõi sát sao việc sản xuất của các hộ thành viên, đảm bảo quy trình sản xuất theo các tiêu chí quy định. Đồng thời, quản lý tốt chứng nhận để đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, huyện Hương Sơn đang tập trung chỉ đạo 3 HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện thực hiện xây dựng mô hình cam bù đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích trên 70 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nông hộ trồng cam bù ở xã Sơn Mai, Sơn Trường nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung tiếp tục sản xuất, đưa ra thị trường giống cam đặc sản đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Trong khi đó, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay cam Thượng Lộc (Hà Tĩnh) đã được người tiêu dùng cả nước biết đến và ưa chuộng.

Với cách chăm bón khoa học, đúng tiêu chuẩn, vườn cam của các hộ nông dân đang phát triển tốt, sản lượng tăng, sản phẩm chất lượng cao, cam có vị ngon ngọt đậm, đặc biệt đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, cam Thượng Lộc tỉnh Hà Tĩnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Thượng Lộc” vào tháng 1/2017. Đó là đòn bẩy để giúp thương hiệu “Cam Thượng Lộc” tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, nâng tầm thương hiệu với khách hàng.

Hiện sản phẩm cam Thượng Lộc dần dần có chỗ đứng trên thị trường, chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ thương hiệu “Cam Thượng Lộc” và đưa sản phẩm vươn xa hơn, cần phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, UBND huyện Can Lộc phối hợp với các HTX tổ chức xây dựng và dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cam của xã viên. Nhờ việc truy xuất nguồn gốc mà khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình chăm bón. Hướng đi này đang là cách làm hiệu quả, giúp nhiều hộ sản xuất yên tâm phát triển, quảng bá chất lượng cam ngon nổi tiếng của vùng trà sơn.

Định hướng phát triển cây trồng có múi thời gian tới của tỉnh Hà Tĩnh là bảo tồn và nhân giống cây trồng.

Mặc dù xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực, tập trung phát triển rầm rộ gần 10 năm nay, song phải khẳng định công tác sản xuất, quản lý chất lượng giống của Hà Tĩnh đang còn nhiều hạn chế, dẫn đến hầu hết diện tích cam, bưởi suy thoái trước tuổi, sâu bệnh hoành hành, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 13 cơ sở lớn sản xuất giống cây ăn quả có múi tại 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Tuy nhiên chỉ có 4 cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống chất lượng cao gồm: Trại bảo tồn và nhân giống bưởi Phúc Trạch; Khu bảo tồn, nhân giống và phát triển cam bù; Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong và Trại thực nghiệm, nhân giống cây ăn quả có múi, cây lâm nghiệp Truông Bát.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm nhu cầu sản xuất của người dân Hà Tĩnh cần khoảng 7 vạn giống bưởi và 15 vạn giống cam. Tuy nhiên số lượng cây giống 4 cơ sở trên chỉ đủ cung cấp 35 – 45% nhu cầu; số còn lại do 9 cơ sở khác trên địa bàn sản xuất, cung ứng và mua từ các tỉnh khác về. Việc mua giống trôi nổi không chỉ tiềm ẩn rủi ro về tỷ lệ cây sống, sâu bệnh hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và chất lượng sản phẩm.

Thực tế, từ năm 2000, Hà Tĩnh đã mua cây đầu dòng của hộ dân để bảo tồn nguồn gen. Tuy nhiên, việc bình tuyển, nhân giống từ cây đầu dòng lại đang bị bỏ ngỏ. Phải đến năm 2016 – 2017, khi diện tích cây ăn quả có múi tăng nhanh thì công tác giống mới thực sự được chú trọng.

Hiện toàn tỉnh có 8 cây bưởi Phúc Trạch; 30 cây cam chanh tập trung ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn; 34 cây cam bù ở huyện Hương Sơn, Vũ Quang đã được công nhận là cây đầu dòng. Các địa phương, cơ sở đang tiếp tục đề xuất công nhận 15 cây đầu dòng cam Khe Mây và 15 cây quýt Kỳ Anh. Số lượng cây đầu dòng trên đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuổi thọ bình quân của bưởi từ 14 – 18 năm; cam 7 – 12 năm và quýt từ 10 – 14 năm.

Giải pháp những năm qua Hà Tĩnh thực hiện để bảo vệ “kho” cây đầu dòng này là hỗ trợ 1 triệu đồng/cây cho các hộ dân chăm sóc, quản lý, phục vụ ngành chuyên môn lấy mắt ghép, bình tuyển, bảo tồn nguồn giống. Theo đó, trại giống Phúc Trạch bảo tồn 25 cây bưởi Phúc Trạch S0 và 450 cây S1; trại giống Hương Sơn bảo tồn 15 cây cam bù S0 và 400 cây S1; DN Tân Thanh Phong bảo tồn 200 cây bưởi, cam S1. Đây là những “tài sản” vô giá phục vụ việc bình tuyển, lấy mắt ghép nhân giống đảm bảo duy trì phẩm chất, đặc điểm nông sinh học, tính chống chịu của cây trồng; sạch bệnh truyền nhiễm và đảm bảo năng suất, chất lượng quả.

Tháng 8/2017, Công ty TNHH đầu tư phát triển SXNN Vineco đã hỗ trợ Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh hơn 3 tỷ đồng thực hiện cải tạo, nâng cấp trại giống Truông Bát thành cơ sở bảo tồn nguồn gen cây ăn quả có múi của tỉnh. Sau hơn một năm chăm chút, đến thời điểm này trại giống Truông Bát đã bảo tồn được nguồn giống từ 300 cây S1, gồm các loại: bưởi Phúc Trạch, bưởi đường; cam chanh, cam bù, đủ để sản xuất khoảng 5 – 7 vạn cây giống chất lượng cao các loại. Bảo tồn tập trung 360 cây giống các loại trên; đồng thời thu thập, trồng, chăm sóc hơn 300 giống cây ăn quả có tiềm năng của các tỉnh khác.

© Tuyên bố bản quyền